Liên quan đến dự thảo Luật Đặc khu, Phú Quốc từng xảy ra tình trạng chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất trái pháp luật, lấn chiếm đất rừng; tình trạng đầu cơ gây sốt đất, tăng giá đột biến để trục lợi... Trước thực trạng đó, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã phải có ‘lệnh’ yêu cầu các sở ngành liên quan, UBND huyện Phú Quốc tạm dừng cho phép các hoạt động phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện Phú Quốc vào giữa tháng 5/2018.
Sau đó, vào tháng 3/2020, “lệnh” cấm phân lô, tách thửa đã được tỉnh Kiên Giang gỡ bỏ. Thế nhưng, chỉ sau khoảng 3 tháng, tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái quy định pháp luật tại đây đã quay trở lại và diễn biến phức tạp hơn khiến tỉnh này tiếp tục ‘siết” chặt. Riêng Phú Quốc tạm dừng thực hiện tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đối với từng loại đất.
Được phân lô, tách thửa trở lại, thị trường Phú Quốc có sốt đất? (Ảnh minh họa)
Sau hơn 1 năm, mới đây, tỉnh Kiên Giang đã chính thức gỡ bỏ “lệnh cấm”, cho phép tách thửa diện tích tối thiểu 300m2 đối với đất trồng cây lâu năm và 600m2 đối với đất trồng cây hàng năm ở khu vực đô thị thuộc TP Phú Quốc, TP Rạch Giá, TP Hà Tiên.
Đánh giá về tác động của động thái cho phép phân lô, tách thửa trở lại này với đối với thị trường bất động sản Phú Quốc, trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: Việc phân lô, tách thửa vẫn là phân khúc thu hút các nhà đầu tư nhảy vào gom mua đất rồi tách thửa ra bán lẻ, bán sỉ. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng thích mua găm giữ một vài lô rồi bán sinh lợi.
Theo ông Đính, trong bối cảnh thị trường thiếu nguồn cung, các địa phương cũng phải tìm cách để thúc đẩy. Thị trường bất động sản Phú Quốc thời gian qua khá trầm lắng sau những cơn ‘sốt đất’; hơn nữa lại ít dự án hấp dẫn, chủ yếu chỉ có những dự án hạng sang, giá trị lớn...
“Vì thế, việc cho phép phân lô, tách thửa trở lại ở Phú Quốc nhằm tạo ra sự phong phú, đa dạng hàng hóa cho thị trường, đây là hiện tượng chung của nhiều địa phương đang làm. Sự cho phép đó tác động tích cực khiến thị trường sẽ có hoạt động trở lại, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục gom đất, rồi chia tách lô thửa để bán. Thế nhưng, thị trường có hoạt động sôi động hay không thì còn phải chờ thêm”, ông Đính nói.
Tuy nhiên, ông Đính cũng lưu ý, khi thị trường hoạt động trở lại, liệu có lặp lại kịch bản hỗn loạn, gây sốt như trước đây hay không, điều này phụ thuộc vào việc chính quyền địa phương phải có phương án kiểm soát được hoạt động đầu tư, giao dịch mua bán trên thị trường cũng như các đối tượng tham gia thị trường phải được quản lý đúng quy định pháp luật.
Cũng chia sẻ quan điểm với Infonet, ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Bất động sản Hải Phát cho hay: Việc phân lô, tách thửa ảnh hưởng đến thị trường đầu tư, thị trường thứ cấp nên chỉ tác động một phần nhỏ đến thị trường ở Phú Quốc. Thị trường sẽ thu hút nhà đầu tư chuyên nghiệp.
“Thị trường sẽ sôi động ở phân khúc thứ cấp, trong bối cảnh hiện nay, việc xảy ra ‘sốt” bất động sản sẽ hơi khó, chỉ những thị trường chưa ‘đánh sóng’ bao giờ mới có cơ hội ‘sốt’”, ông Duy nhận định.
Cụ thể hơn, ông Duy phân tích, thị trường đất phân lô, tách thửa chỉ ‘sốt’ khi giá mua đất nông nghiệp dưới 1 triệu đồng/m2 và ‘đẩy’ lên khoảng 2-2,5 triệu đồng/m2 thì mới xảy ra chuyện ‘sốt’; còn hiện nay mức giá đất ở khu vực Phú Quốc khoảng 3,5-4 triệu đồng/m2, mức giá đã khá cao nên thị trường khó xảy ra chuyện ‘sốt đất’.