“Đó mới chỉ là số đường buôn lậu của 1 DN. Thử hỏi, cả nước có bao nhiêu cơ sở buôn lậu đường như thế này, làm sao mà các DN sản xuất mía đường của Việt Nam chịu được”- ông Phạm Quốc Doanh bức xúc.
Buôn lậu tung hoành công khai
Theo đại diện Hiệp hội mía đường Việt Nam, nếu như những năm trước, các “đầu nậu” buôn lậu đường kính từ Thái Lan còn lén lút ém hàng đưa qua các lối mòn, lối mở, thì từ đầu năm 2018 đến nay, việc buôn lậu đường Thái Lan từ Campuchia về công khai, gần như thách thức dư luận và các cơ quan quản lý chức năng.
Từ sau khi phá thành công chuyên án “Tỉ đường” (An Giang), tình hình buôn lậu đường diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi hơn, gần như công khai và gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đường lậu hoạt động công khai “song song” với đường nội.
Đường cát sau khi được tập kết dọc các tỉnh biên giới Lào và Campuchia, được chuyển lậu bằng đường bộ và đường thủy vào nước ta, sau đó tập kết và vận chuyển bằng ôtô tải về các điểm tiêu thụ là kho của các DN, thương nhân. Các đầu nậu buôn lậu công khai đến mức giữ nguyên bao bì in nhãn mác, chữ Thái Lan.
Trước thực trạng này, ngày 15.6.2018, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đã đồng loạt ra quân kiểm tra 10 địa điểm nghi có kinh doanh đường lậu, kết quả đã lập biên bản 152 tấn đường không rõ nguồn gốc, bao bì.
Trước đó, sáng 14.6, tổ công tác phát hiện 1 xe tải mang biển kiểm soát 74C-03610 đang xuống hàng 25 tấn đường nguyên bao nhãn Thái Lan của Cty TNHH Nông sản Hải Vinh tại thị trấn Điện Bàn (Quảng Nam). Lực lượng chức năng đã lập biên bản, kiểm tra trong kho, tổ công tác phát hiện thêm 67 tấn đường Thái Lan được xếp “bạt ngàn” trong kho.
Khảo sát tại một số điểm tại TP.Đà Nẵng, lực lượng chức năng phát hiện nhiều cơ sở đang kinh doanh công khai đường nguyên bao của Thái Lan, thậm chí có cơ sở dùng xe nâng hạ tập kết và chuyển hàng lên xe, bán ngay tại vỉa hè của cửa hàng mà không e dè sự kiểm tra, phát hiện của lực lượng QLTT. Tổ công tác đã báo chi cục QLTT địa phương kiểm tra 1 cơ sở kinh doanh và phát hiện tại kho 59 tấn đường có bao bì Thái Lan.
Ngoài việc buôn lậu đường để nguyên nhãn mác, đường lậu còn được “gắn mác” bao bì các Cty đường trong nước như đường Biên Hòa, Lam Sơn, Quảng Ngãi… và tình trạng này xảy ra công khai trên toàn quốc. Các tư thương đã sang bao, đóng gói 1kg, 50kg “hô biến” đường nhập lậu thành đường của các DN có uy tín trong nước.
Lượng đường nhập lậu qua cửa khẩu biên giới chưa giảm mà có chiều hướng gia tăng, do lực lượng chức năng quá mỏng trước lực lượng buôn lậu đông đảo, có nhiều thủ đoạn tinh vi, không theo quy luật. Chiều 16.6.2018, tổ công tác khảo sát lối mòn trên sông Sepon (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) phát hiện các thuyền vận chuyển hàng lậu, đường cát liên tục cập bến chuyển hàng lên bờ và dùng xe Honda chuyển về nơi tập kết.
Sáng 17.6, tổ công tác đã đến Đồn Biên phòng Lao Bảo (gần điểm tập kết hàng lậu) để phản ánh nhưng không gặp bất kỳ chiến sĩ nào trực tại đồn. Liên lạc với đội trưởng, tổ công tác được yêu cầu “làm việc theo quy định” (phải qua Bộ Tư lệnh, đến Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, lúc đó đội mới tiếp - công tác phòng, chống buôn lậu mà theo quy trình này, thử hỏi sao nạn buôn lậu luôn hoành hành?!
Tồn 670.000 tấn đường, hàng loạt DN thoi thóp
Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc, khi tình trạng đường nhập lậu đang tràn ngập thị trường, len lỏi vào mỗi gia đình Việt bởi sự thiếu kinh nghiệm của người dân và sự bất lực của cơ quan QLTT trước sự tinh vi của những kẻ buôn lậu.
Để chấm dứt được nạn buôn lậu đường, các DN sản xuất mía đường trong nước đã tình nguyện giảm giá đường xuống tương đương giá đường nhập lậu. Tuy nhiên, nếu không có vốn, các DN sẽ không thể chịu đựng được mức giá “thấp hơn giá thành sản xuất” này và về lâu dài, các DN sẽ đứng trước nguy cơ bị phá sản. Các DN sản xuất, kinh doanh mía đường hiện đang rất khó khăn, khi đây là năm thứ 2, lượng đường tiêu thụ được rất chậm, lượng đường tồn kho cao do bị dồn đường tồn từ niên vụ trước.
Nghiêm trọng hơn, có nhà máy do tiêu thụ chậm, không có doanh thu, vay ngân hàng không được do hết hạn mức tín dụng đã không có tiền trả cho nông dân, dẫn đến nợ tiền nguyên liệu. Vừa qua, đã xảy ra tình trạng một số nhà máy sản xuất không có tiền để trả tiền mua nguyên liệu mía cho nông dân, khiến nông dân phải bao vây nhà máy, đòi thanh toán.
Thậm chí, có nhà máy đã phải thương lượng xin được trả tiền nguyên liệu mía cho nông dân bằng đường - nhưng đó chỉ thuộc 1 DN có vốn đầu tư của 1 thương nhân người nước ngoài.
“Hoàn toàn không có chuyện các nhà máy đường của Việt Nam phải dùng đường để thanh toán tiền mía cho nông dân” - ông Doanh khẳng định.
Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường tồn kho tính đến ngày 31.5.2018 đã lên tới 670.000 tấn. Với mức đường tồn đọng khổng lồ không thể tiêu thụ, các DN sản xuất mía đường trong nước thực sự đang rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc tuyên chiến với đường lậu để bảo vệ các DN sản xuất chân chính trong nước.