Trước lời kêu cứu khẩn thiết của nhiều nhà máy đường không tiêu thụ được sản phẩm, không cạnh tranh nổi với đường lậu, đường giả, Hiệp hội Mía Ðường Việt Nam vừa gửi văn bản kiến nghị các Bộ ngành liên quan xem xét áp thuế nhập khẩu từ 10%-20% đối với đường lỏng nhập chủ yếu từ Trung Quốc, vừa đề nghị Ban chỉ đạo 389 Bộ Công Thương cử các lực lượng phối hợp để kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động buôn bán đường lậu và sản xuất, kinh doanh đường giả mạo xuất xứ.
Từ đầu năm 2018, Bộ trưởng Công Thương cũng đã ban hành Quyết định 334, phê duyệt “Kế hoạch đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo, xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020”. Theo đó, Cục Quản lý thị trường (QLTT) đã thành lập Tổ công tác chuyên trách thực hiện Kế hoạch này, gọi tắt là Tổ 334, do ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục QLTT, làm Tổ trưởng. Tổ 334 đã phối hợp với Hiệp hội Mía Ðường và lực lượng QLTT các tỉnh thành thực hiện nhiều cuộc điều tra, phát hiện, truy bắt hàng trăm vụ nhập lậu đường. Qua đó, Tổ 334 đã phát hiện nhiều thủ đoạn hợp thức hóa đường nhập lậu, cùng hàng loạt hiện tượng nhức nhối ở các đơn vị chức năng đã buông lỏng trách nhiệm, bảo kê thậm chí tiếp tay cho tội phạm buôn đường lậu, và làm đường giả.
Thực tế ở hàng loạt điểm nóng về buôn lậu mà Tổ 334 đã “quét” qua, thì đường cát được tập kết dọc các tỉnh biên giới giáp Lào và Campuchia, vận chuyển lậu bằng đường bộ và đường thủy vào nước ta, rồi được các ôtô tải chở về các kho hàng của nhiều doanh nghiệp. Nhiều nơi các cánh buôn lậu đường còn tự tin đến mức vận chuyển đường lậu còn nguyên bao bì nhãn mác Thái Lan mà không sợ bị gây khó dễ, dù năm 2018 Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương không cấp hạn ngạch nhập khẩu đường cho bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức nào.
Ngày 14/6, Tổ 334 bắt giữ 1 xe tải chở 25 tấn đường Thái Lan của Cty TNHH Nông sản Hải Vinh tại thị trấn Ðiện Bàn (Quảng Nam), sau đó phát hiện trong kho của Công ty này có tới 67 tấn đường Thái. Chiều 16/6/2018, tại một lối mòn trên sông Sepon (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), ngay gần Ðồn Biên phòng Lao Bảo, Tổ 334 chứng kiến cảnh ghe thuyền tấp nập vận chuyển hàng lậu và đường cát, liên tục cập bến chuyển hàng lên bờ rồi dùng xe máy chuyển về nơi tập kết. Sáng hôm sau Tổ 334 đến Ðồn Biên phòng Lao Bảo để chất vấn về tình trạng bỏ ngỏ cửa khẩu này, nhưng không cách nào gặp được lãnh đạo Ðồn. Một Ðội trưởng cho biết phải có chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, thì Ðội mới tiếp (!)
Lượng đường cát trắng do các nhà máy sản xuất đường trên cả nước hiện đang tồn kho với khối lượng khổng lồ. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến cuối tháng 5/2018, lượng đường tồn kho cả nước đã lên tới 670.000 tấn. Con số này vẫn tiếp tục tăng, vì trong nước thì các nhà máy đang tiếp tục thu mua mía cuối vụ, phía Bắc thì đường lỏng rẻ hơn đường cát nội địa từ 2000-3000đồng/ ký của Trung Quốc, Hàn Quốc tràn vào, từ phía bắc miền Trung vào tới cực Nam thì đường lậu từ Thái Lan vẫn hàng ngày đổ qua biên giới.
Kẽ hở để gian lận thương mạiMột giám đốc nhà máy Mía đường ở miền Trung tự nhận sắp đóng cửa vì thua lỗ cho biết ông đã nhiều lần lên tiếng đề nghị Bộ NN&PTNT xem lại Thông tư 45, về việc cấp phép mở cơ sở sản xuất, sang chiết hàng hóa cho nơi không hề có vùng nguyên liệu. Lợi dụng Thông tư này, nhiều địa phương không trồng mía cũng cấp phép mở cơ sở sản xuất, sang chiết, khiến các đối tượng chuyên buôn lậu đường càng thuận lợi trong việc sang chiết đường nhập lậu. Chi cục QLTT tỉnh Kiên Giang cũng xác nhận trên địa bàn tỉnh có một số cơ sở đã dùng giấy chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm được cấp trong hoạt động khác, để hợp thức hóa hoạt động sang chiết đường nhập lậu. Có doanh nghiệp in giả nhãn mác của các công ty có vùng nguyên liệu mía, chuyên sản xuất đường có uy tín thương hiệu, hoặc san chiết đường Thái nhập lậu vào bao bì in tên những nhà máy Mía đường đã đóng cửa, ngưng hoạt động từ lâu. Có doanh nghiệp lợi dụng sự dễ dãi, kẽ hở của việc cấp giấy chứng nhận sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, để dùng giấy chứng nhận này làm "bùa hộ mệnh", dù không có hoạt động sản xuất nào ngoài buôn lậu đường qua biên giới.