Từ tháng 4-2020, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM chỉ còn một đôi tàu khách SE3/SE4 hoạt động. Để phục vụ nhu cầu vận chuyển nhanh các mặt hàng cần điều kiện bảo quản tốt, ngành đường sắt đã chuyển sang vận chuyển bằng các đoàn tàu hàng và hình thức đặt hàng online.
Giao, nhận hàng tận cửa
Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), dịch vụ vận chuyển hàng hóa theo phương thức "từ nhà đến nhà" đã được ngành đường sắt đưa vào thực hiện, khai thác từ tháng 8-2019. Khách hàng chỉ cần truy cập website: harapost.vn để đặt vận chuyển trực tuyến hoặc khách hàng có thể đến đặt vận chuyển tại các cửa đăng ký nhận vận chuyển hàng hóa qua harapost ở các ga. Căn cứ vào những thông tin đó, nhân viên của ngành đường sắt sẽ vận chuyển đến tận nơi cho người nhận.
Do dịch Covid-19, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện chỉ còn chạy một đôi tàu khách SE3/SE4/ngày. Vì vậy, các chuyến tàu hàng hóa có điều kiện rút ngắn thời gian chạy tàu, vận chuyển và trả hàng hóa nhanh do không phải dừng, tránh tàu như trước.
Ngành đường sắt tăng cường các dịch vụ vận chuyển hàng hóa trong mùa dịch
Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco), cho biết tàu khách Bắc - Nam mỗi chuyến một ngày hiện chỉ đạt khoảng 400 khách/lượt, giảm nhiều so với trước đây. Do lượng khách ít, công ty đang chú trọng sang vận chuyển hàng hóa. Tàu hàng có nhiều chuyến riêng, không đi chung với tàu khách. Mỗi ngày có 2 chuyến tàu hàng nhanh, một tàu chuyên hàng container từ ga Yên Viên (Hà Nội) đi ga Sóng Thần (Bình Dương); một tàu chuyên vận chuyển theo hình thức chuyển phát nhanh, tuyến Hà Nội - Sài Gòn. Ngoài ra, còn có thêm 2 chuyến tàu hàng thường mỗi ngày từ Giáp Bát (Hà Nội) đi Sóng Thần và ngược lại.
Đối với hàng chuyển phát nhanh, trong thời gian dịch Covid-19, lượng hàng hóa tăng nhanh. Đó là những mặt hàng thương mại, gia dụng được mua qua hình thức trực tuyến.
Cũng theo bà Phùng Thị Lý Hà, hàng chuyển phát nhanh từ đặt hàng online mỗi ngày thu được khoảng 50 triệu đồng tiền cước phí, chưa tính các mặt hàng chuyển cho Viettel, bưu điện, giao hàng tiết kiệm… Riêng hai tàu nhanh chuyên chuyển phát nhanh, chưa kể 2 chuyến từ Giáp Bát - Sóng Thần, doanh thu khoảng 700 triệu/ngày. Bà Hà cho rằng vận chuyển qua đường sắt giá cước rẻ, tàu chạy nhanh nên được nhiều khách hàng lựa chọn trong giai đoạn hiện nay.
Những mối hàng lớn
Ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc VNR, cho biết đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam để thực hiện kế hoạch vận chuyển bằng đường sắt năm 2020 lên khoảng 1,6 triệu tấn. Từ các nguyên vật liệu đầu vào như apatit đến sản phẩm đầu ra như phân bón, hóa chất của tập đoàn này đều vận chuyển bằng đường sắt.
"Chúng tôi tìm mọi cách để thu hút được vận tải hàng hóa trong mùa dịch, kể cả đẩy mạnh vận chuyển hành lý, hàng bưu kiện, chuyển phát nhanh theo tàu khách. Dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các chủ hàng thuê vận tải nguyên vật liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra cho các nhà máy cũng giảm sản lượng vận chuyển nhưng doanh thu vận tải hàng quý I năm nay vẫn tăng 5% so với cùng kỳ 2019" - ông Quốc Anh cho biết.
Hiện tàu container lạnh liên vận quốc tế vận chuyển thanh long chạy thẳng từ ga Đồng Đăng sang ga Bằng Tường (Trung Quốc) khai thác từ tháng 2-2020 đã có được lượng hàng ổn định, chạy đều đặn hằng tuần. Đến nay, đã xuất được khoảng 200 container. Đây là sản phẩm vận tải logistics trọn gói, mở ra hướng xuất khẩu chính ngạch hàng trái cây và nông sản đông lạnh bằng đường sắt sang Trung Quốc và từ đó đi Trung Á, châu Âu.
Ông Phan Quốc Anh thông tin thêm: "Việc tập trung phát triển vận tải hàng hóa không chỉ trong mùa dịch Covid-19 mà là định hướng lâu dài của ngành đường sắt. Để phát triển vận tải hàng, đường sắt đã đóng mới khoảng 300 toa xe chở container; thử nghiệm và đưa vào vận hành chính thức hệ thống quản trị vận tải hàng hóa qua mạng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, thuận tiện hơn cho khách hàng.
Còn theo ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch HĐQT Haraco, quý I/2020, doanh thu vận tải hàng của công ty tăng trưởng khoảng 10%-11% so với năm 2019. Công ty đã đưa vào khai thác một số sản phẩm mới, đặc biệt đôi tàu container nhanh H9/H10 hành trình 40 giờ như tàu khách tuyến Bắc - Nam duy trì chạy hằng ngày.
Thêm kho bãi để hạ chi phí
Hiện Haraco đã tạm dừng đầu tư lớn về toa xe khách và triển khai đóng mới 100 toa xe hỗn hợp để có thể chở được nhiều mặt hàng, kể cả container; bên cạnh đó có kế hoạch đầu tư một số thiết bị tại các điểm đầu, cuối như ôtô, cẩu xếp dỡ... để không phải đi thuê của các doanh nghiệp khác, chủ động hơn trong xây dựng giá thành vận tải logistics.
"VNR cần đầu tư hạ tầng kho bãi để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải cung cấp các dịch vụ kết nối đầu cuối, hạ chi phí logistics" - Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch HĐQT Haraco, đề nghị.