Theo Uỷ ban Châu âu, trước năm 2050, mạng lưới đường sắt cao tốc xuyên Âu sẽ hoàn thành. Chiều dài của mạng lưới này dài gấp 3 lần độ dài hệ thống đường sắt hiện tại và sẽ hoàn thành trước năm 2030, duy trì mật độ đường sắt dày đặc tại các nước thành viên. Cho đến năm 2050, phần lớn hành khách di chuyển trong khoảng cách trung bình sẽ sử dụng đường sắt cao tốc.
Kinh tế càng phát triển, ngày càng nhiều các phương tiện giao thông hiện đại được đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Với những lợi thế cạnh tranh nổi trội, đường sắt cao tốc đang ngày càng được ưa chuộng ở các nước phát triển. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các phương tiện công cộng khác, đặc biệt là ngành hàng không.
Sự phát triển ấn tượng của đường sắt cao tốc
Bắt nguồn từ tuyến đường đầu tiên ra đời tại Nhật Bản vào năm 1964, trải qua hơn nửa thế kỷ, độ dài đường sắt cao tốc đang đi vào vận hành đã lên tới gần 50.000km, với tốc độ cao nhất đạt 350km/h – tại Trung Quốc.
Sở hữu tuyến đường sắt dài nhất, tốc độ lớn nhất thế giới, sự phát triển của đường sắt cao tốc Trung Quốc được đánh giá là thần kỳ.
Bên cạnh việc gia tăng mật độ mạng lưới đường sắt cao tốc, lượng hành khách của phương tiện này cũng không ngừng tăng. Các nhà quản lý trong ngành đường sắt cao tốc tại Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng 140% trong tuần nghỉ lễ từ 1/10-8/10 năm ngoái trong đặt vé cho các tuyến tới Hàng Châu, cho thấy xu hướng của người tiêu dùng ngày càng chuyển sang du lịch đường sắt nội địa.
Tốc độ tuyến cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải cũng tăng lên 350km/h, giảm thời gian di chuyển giữa hai thành phố này chỉ còn chưa tới 4 tiếng rưỡi. Điều này giúp Trung Quốc trở thành quốc gia có hệ thống đường sắt cao tốc nhanh nhất thế giới, theo Tân Hoa Xã.
Chuyên gia kỹ thuật He Huawu của Công ty Đường sắt Trung Quốc cho biết: "Dự kiến một phần ba độ dài đường sắt nước này sẽ được nâng cấp lên chạy với tốc độ tối đa". Điều này sẽ giúp thúc đẩy sự phổ biến của đường sắt cao tốc, đồng thời gia tăng sức ép lên ngành hàng không.
Áp lực lên ngành hàng không như thế nào?
Ngành hàng không Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong 30 năm trở lại đây, trở thành thị trường du lịch bằng đường hàng không lớn thứ 2 thế giới từ năm 2005. Tuy nhiên, sự phát triển thần kỳ của đường sắt cao tốc đã là một thách thức lớn đối với ngành này.
Kể từ khi tuyến đường sắt cao tốc chạy nhanh nhất thế giới Bắc Kinh – Thượng Hải đi vào hoạt động, các chuyên gia quan ngại rằng các hãng hàng không của Trung Quốc sẽ bị giảm thị phần nội địa và giá cả cũng sẽ sụt giảm trong vài năm tới.
Các nhà phân tích của The Morgan Stanley nhận định dịch vụ đường sắt cao tốc phát triển sẽ có tác động tiêu cực đến lượng khách và tăng trưởng doanh thu của ngành hàng không.
Một kịch bản được đưa ra là ngành hàng không Trung Quốc sẽ bị mất một phần thị phần nội địa vào tay đường sắt cao tốc trong vòng ba năm tới. Cụ thể giảm từ 13,4% trong năm 2017 xuống 12,5% vào năm 2019. Để ứng phó với điều này, các hãng hàng không sẽ phải điều chỉnh giảm giá vé, kéo theo doanh thu giảm sút.
Đồng quan điểm với các nhà phân tích Trung Quốc, các chuyên gia Malaysia cũng cho rằng giá rẻ và vị trí đắc địa của các nhà ga tàu cao tốc là các lợi thế cạnh tranh của phương tiện này so với "gã khổng lồ" hàng không, kể cả khi các hãng hàng không có chính sách giảm giá vé.
Ga tàu thì có thể gặp ở khắp nơi, ngay trong trung tâm thành phố, còn sân bay thì luôn đặt ở ngoại ô hoặc xa khu dân cư. Việc di chuyển đến sân bay xa hơn đã tiêu tốn của hành khách một khoảng thời gian đáng kể.
Một trải nghiệm mà không ai muốn trải qua khi đi máy bay, đó là hoãn chuyến, xảy ra với tần suất thấp hơn ở tàu cao tốc do phương tiện này ít chịu tác động từ thời tiết hơn máy bay. Do đó nhiều người đã lựa chọn đường sắt cao tốc thay vì máy bay cho những chặng đường dưới 800km.
Khi sự cạnh tranh giữa 2 phương tiện này gia tăng, làm miếng bánh nội địa trở nên chật chội, các hãng hàng không nước này nhiều khả năng sẽ tìm đến những vùng đất mới bên ngoài với những chặng bay quốc tế để tìm kiếm cơ hội mới vì khi thu nhập cá nhân tăng sẽ làm gia tăng nhu cầu du lịch nước ngoài.
Minh chứng cho điều này là lượt khách Trung Quốc đến các địa điểm Châu Á – Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và châu Âu dự kiến sẽ đạt 66 triệu lượt, 7 triệu lượt và 10 triệu lượt một năm trong năm nay.