Thực tế, sau khi được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) gặp nhiều khó khăn khi không được giao dự toán ngân sách cho bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt hay quản lý vốn nên đã thiếu tính chủ động và phá vỡ điều hành tập trung thống nhất trong đảm bảo an toàn, chạy tàu thông suốt và có thể dẫn tới khả năng phải dừng chạy tàu.
Đường sắt gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn bảo trì hạ tầng. (Ảnh: Thế Anh)
Trước những vướng mắc nêu trên, Vụ trưởng vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Lê Thị Thu Hương, cho biết Bộ cũng đã có nhiều văn bản trình các cấp có thẩm quyền đề xuất và xin phê duyệt phương án tháo gỡ. Gần nhất là Bộ GTVT đã có văn bản số 1071/BGTVT-KCHT ngày 11/2/2020 trình Thủ tướng Chính phủ.
“Trong đó, có nêu rõ những vướng mắc về quy định pháp luật, khó khăn trong cơ chế giao vốn bảo trì hàng năm sau khi Tổng công ty đường sắt Việt Nam chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp”, bà Hương cho hay.
Theo bà Hương, trong trường hợp Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) không được giao dự toán quản lý, bảo trì tài sản sẽ dẫn đến việc tổ chức duy trì trạng thái kĩ thuật, chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Quan trọng nhất là nhiệm vụ xây dựng, ban hành, công bố công lệnh tốc độ, công lệnh tải trọng, biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia…
Qua đó, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phép Bộ GTVT giao dự toán quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam. Để có kế hoạch dài hạn vận hành đường sắt Bộ GTVT đã chủ trì xây dựng “Đề án Quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư”.
Đến nay, đề án này đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trong đó kiến nghị “Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép bộ GTVT được giao dự toán bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho VNR đến hết năm 2025”.
Cần phải sửa các quy định pháp luật liên quan tới đường sắt. (Ảnh: Thế Anh)
Trong khi đó, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết, năm 2020 Tổng công ty không được Bộ GTVT giao vốn dự toán ngân sách Nhà nước cho công tác bảo trì nên cũng không thể ký hợp đồng đặt hàng với các Công ty bảo trì như những năm trước. Qua đó, khiến cho các Công ty bảo trì đường sắt không có nguồn vốn để hoạt động, đặc biệt là nguồn vốn trả lương cho công nhân viên.
Nguyên nhân dẫn tới những khó khăn trên là do Tổng công ty đường sắt Việt Nam không trực thuộc Bộ GTVT nữa mà đã được giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Từ đó, VNR chỉ được quản lý vốn chủ sở hữu doanh nghiệp, còn hạ tầng vẫn đang do Bộ GTVT quản lý, dẫn đến tình trạng “nửa nạc, nửa mỡ”. Do đó, theo quy định của Luật Ngân sách, Bộ GTVT không thể giao vốn dự toán ngân sách bảo trì cho VNR quản lý như trước kia.
Ông Minh chia sẻ, dù không được Tổng công ty đường sắt Việt Nam đặt hàng để duy trì trạng thái hạ tầng an toàn, để tổ chức chạy tàu, nhưng 20 Công ty bảo trì này vẫn đang thực hiện công tác bảo trì, tuần gác đảm bảo an toàn. Việc họ không được đặt hàng nhưng vẫn thực hiện duy tu hạ tầng là sai vì chẳng có ai đặt hàng họ làm những việc này.
Đặc biệt, họ không được đặt hàng đồng nghĩa với việc không có tiền tạm ứng, không có tiền trả lương công nhân, không có tiền mua vật tư… Họ có vay ngân hàng thì ngân hàng cũng đòi hỏi hợp đồng. Nếu cứ duy trì tình trạng này, thì đến hết quý I mà không giao vốn sẽ buộc phải dừng tàu.
So với Luật Đường sắt hiện hành đang quy định sự điều hành tập trung thống nhất đối với ngành Đường sắt, khi không cùng một đầu mối như hiện nay thì dẫn đến nhiều khó khăn. Qua đó, việc chuyển VNR về Uỷ ban quản lý vốn thì cũng cần phải thay đổi hệ thống pháp luật phải được điều chỉnh, thiết kế đồng bộ. Hạ tầng phải được đưa về doanh nghiệp, gắn với doanh nghiệp.
Đáng chú ý, khi Tổng công ty đường sắt Việt Nam chuyển về Ủy ban quản lý vốn lại chưa thiết kế được đồng bộ hành lang pháp lý, dẫn đến vướng mắc ngay. Đặc biệt là gói 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn, dự kiến ban đầu sẽ giao Tổng công ty đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, Tổng công ty đường sắt Việt Nam lại không được giao nữa vì không còn là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, vốn bảo trì cũng chưa được quyết định.
Đây là vướng mắc rất lớn vì nếu Tổng công ty đường sắt Việt Nam không được quản lý vốn này thì có thể hạ tầng bị ách tắc, không đảm bảo sẽ ảnh hưởng ngay đến vận tải, không thể chạy tàu… ảnh hưởng đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của VNR. Còn nếu chuyển VNR về trở lại Bộ GTVT thì phải sửa danh mục trong Nghị định 131, còn nếu vẫn trực thuộc Ủy ban thì phải sửa các quy định pháp luật liên quan.
Công ty CP Đường sắt Hà Thái đã phải thông báo tới các đơn vị phòng ban của Công ty về việc do thay đổi trong cơ chế quản lý, các đơn vị trong Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đều chưa ký được hợp đồng đặt hàng bảo trì kết cầu hạ tầng đường sắt năm 2020. Đến thời điểm hiện tại, Công ty không có cơ sở để nghiệm thu thanh toán khối lượng công việc đã hoàn thành cho các đơn vị. Đồng thời, cũng không có nguồn tiền từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để chi trả lương cho người lao động. Để đảm bảo ổn định đời sống cho cán bộ công nhân viên, Công ty đã tìm mọi giải pháp, tiến hành các thủ tục vay tiền để tạm ứng một phần lương cho cán bộ công nhân viên. Công ty CP Đường sắt Hà Thái thực hiện tạm ứng lương quý I/2020 cho các đơn vị cung đường, cung cầu, cung chắn (đã tạm ứng lương T1/2020) thực hiện mức tạm ứng trong tháng 2, 3 năm 2020 với các mức lương như sau: Đội trưởng, cung trưởng được tạm ứng 3.000.000đ/người/tháng; Đội phó, kỹ thuật, thống kê đội, công nhân tạm ứng 2.000.000đ/người/tháng. Xí nghiệp quản lý cầu Thăng Long thực hiện tạm ứng đối với Giám đốc Xí nghiệp, Phó Giám đốc Xí nghiệp, Trưởng, Phó các bộ phận,... 3.000.000đ/người/tháng... Khối cơ quan cũng được thực hiện tạm ứng mức lương tương tự như trên. |