Thực hiện việc tái cơ cấu lại ngành đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang tiến hành sáp nhập 2 đơn vị thành viên là Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn để giảm tính cạnh tranh đem lại hiệu quả trong kinh doanh sản xuất.
Thông tin về tiến độ sáp nhập 2 đơn vị này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: "Hiện nay, quá trình sáp nhập 2 Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đang được thực hiện".
"Dự kiến đến tháng 10 năm nay, việc sáp nhập 2 đơn vị này sẽ hoàn thành. Sau khi hoàn thành sáp nhập 2 đơn vị sẽ giúp triệt tiêu cạnh tranh nội bộ, giảm bớt các bộ phận trung gian và tăng hiệu quả vận dụng phương tiện, tài sản hiện có", ông Khánh chia sẻ.
Theo ông Khánh, việc sáp nhập nêu trên là một trong các nội dung thực hiện tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã triển khai trong những năm qua. Trước đó, Tổng công ty đã tiến hành sáp nhập 5 chi nhánh xí nghiệp đầu máy thành ba chi nhánh; Sáp nhập ba ban quản lý dự án đường sắt thành một ban.
Đường sắt đang có nhiều sự thay đổi và hướng tới thị phần hành khách không cạnh tranh với phương thức vận tải khác và cũng không phương thức nào cạnh tranh với đường sắt. Nếu có, cũng không đáng kể vì thị phần đường sắt không lớn.
Như đường bộ cao tốc chỉ có cạnh tranh chặng ngắn, hàng không giá rẻ trên cung chặng vài trăm kilomet trở lên. Mặt khác, phân khúc người đi tàu có sự khác biệt.
"Xác định sự cạnh tranh đó chưa phải là áp lực, chúng tôi tập trung làm tốt những gì mình có, từ câu chuyện khai thác, quản lý, vận hành cho tới cải tiến phương tiện, thiết bị", ông Khánh nêu.
Ông Khánh cho hay: "Chúng tôi đã xây dựng, đưa ra nhiều sản phẩm mới, riêng. Chẳng hạn, tàu chất lượng cao SE19/SE20 Hà Nội - Đà Nẵng khai trương từ tháng 10/2023. Sau khi thực hiện thành công, chúng tôi cố gắng lan tỏa chất lượng từ đôi tàu này sang các đoàn tàu, sản phẩm khác.
Cùng đó là các phong trào đường tàu - đường hoa, mỗi khu ga một điểm đến, tàu Hà Nội - Hải Phòng food tour, tàu Huế - Đà Nẵng kết nối di sản, tàu đêm Đà Lạt. Đặc biệt, ngày 27/4 tới đây sẽ khai trương đôi tàu chất lượng cao SE21/SE22 Đà Nẵng - TP.HCM với nhiều dịch vụ mới.
"Chúng tôi cũng quyết liệt cải thiện chất lượng vệ sinh trên tàu, điều hòa toa xe; cải tạo cơ sở vật chất phục vụ khách chờ tàu tại các ga như phòng VIP... Đội ngũ tiếp viên cũng được lựa chọn, đào tạo chuyên nghiệp hơn", ông Khánh khẳng định.
Tại báo cáo tài chính Quý 1/2024, Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội (Haraco, Mã: HRT) cho thấy, doanh thu thuần đạt gần 711 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trừ giá vốn và chi phí, Đường sắt Hà Nội ghi nhận lãi sau thuế trên 34 tỷ đồng, tăng 87% so với quý 1/2023 và cải thiện đáng kể so với số lỗ 84 tỷ đồng quý 4/2023.
Có được doanh thu tăng trưởng nêu trên, lãnh đạo Đường sắt Hà Nội cho biết, đơn vị đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát chi phí, nhất là chi phí tài chính giảm 35% so với cùng kỳ xuống 9 tỷ đồng.. Bên cạnh đó, doanh thu cũng có khoản lợi nhuận khác (thanh lý tài sản) tăng vọt 612% lên gần 17 tỷ đồng là những nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận cao hơn.
Tương tự, trong Quý I/2024, Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn (Mã: SRT) ghi nhận doanh thu thuần tăng 13% lên hơn 556 tỷ đồng và là mức doanh thu hàng quý cao nhất trong gần 5 năm qua.
Báo cáo tài chính của Đường sắt Sài Gòn có được lãi sau thuế đạt gần 33 tỷ đồng, tăng 25%. Nguyên nhân do nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao, đặc biệt trong và sau dịp Tết nguyên đán Giáp thìn 2024.
Đường sắt Sài Gòn cho biết, sau hơn 2 tháng mở bán vé tàu Tết 2024, đường sắt đã bán được tổng cộng trên 130,000 vé và mở bán bổ sung lần thứ nhất thêm 3,000 chỗ trên các chuyến tàu Tết tuyến Bắc - Nam.