Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (UpCOM: HRT) đã công bố BCTC quý 1/2021.
Cụ thể doanh thu thuần trong kỳ đạt gần 404 tỷ đồng giảm 33% so với cùng kỳ, kinh doanh dưới giá vốn khiến HRT lỗ gộp 10,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi gộp đạt 31 tỷ đồng.
Chịu lỗ gộp trong khi các chi phí vẫn phát sinh ở mức cao nên mặc dù có gần 5 tỷ đồng lãi từ hoạt động khác thì kết quả HRT vẫn lỗ hơn 60 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái công ty cũng đã báo lỗ 34 tỷ đồng. Như vậy đây đã là quý thứ 6 liên tiếp ông lớn ngành đường sắt kinh doanh gặp khó khăn.
Kết thúc năm 2020 HRT có 1.957 tỷ đồng doanh thu và chịu lỗ hơn 196 tỷ đồng, sang năm 2021 công ty dự tính doanh thu giảm còn 1.644 tỷ đồng và tiếp tục lỗ gần 193 tỷ đồng.
Một ông lớn ngành đường sắt khác là Đường sắt Sài Gòn cũng đã công bố BCTC quý 1/2021 với doanh thu đạt 272 tỷ đồng giảm 37% so với cùng kỳ. Sau khi trừ giá vốn SRT vẫn có lãi gộp gần 6,5 tỷ đồng.
Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí QLDN đều thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ nhưng SRT vẫn chịu lỗ thuần hơn 24 tỷ đồng. Đáng chú ý hoạt động khác có lãi 23 tỷ đồng giúp Đường sắt Sài Gòn giảm lỗ sau thuế xuống còn 873 tỷ đồng - trong khi quý 1/2020 lỗ 17 tỷ đồng - ghi nhận quý thứ 5 liên tiếp kinh doanh thua lỗ.
Kết thúc năm 2020, SRT lỗ 217 tỷ đồng, sang năm 2021 SRT đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.127 tỷ đồng và dự tính lỗ hơn 227 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam (VNR) tiếp tục vấp phải tình trạng tương tự năm 2020, không được giao dự toán ngân sách bảo trì hạ tầng đường sắt, quản lý vốn,… do các quy định thiếu đồng bộ, dẫn đến thiếu tính chủ động và phá vỡ sự điều hành tập trung thống nhất, có nguy cơ buộc phải dừng chạy tàu. Hàng nghìn công nhân ngành đường sắt đang lâm vào cảnh chỉ được tạm ứng một phần lương, cố gắng duy trì cuộc sống vốn đã rất eo hẹp,…
Đối mặt với những khó khăn kinh niên như hạ tầng yếu, công nghệ lạc hậu, chưa được đầu tư xứng đáng và thêm tác động của đại dịch COVID-19, ngành đường sắt đã khó nay lại càng lao đao.