Đọc tuyến phố Nguyễn Khuyến và Trần Quý Cáp (Đống Đa, Hà Nội) là một hệ thống các ki-ốt nhỏ cho thuê, lấn chiếm vỉa hè. Mỗi ki-ốt chỉ rộng 3-5 m2, bán đủ thứ hàng hóa, từ hàn xì, sắt thép, tới đồ điện, đồ ăn, cà phê, trà đá... Xen giữa các ki-ốt bán hàng là những biển hiệu, lối vào các đơn vị đường sắt, chúng lọt thỏm giữa các biển quảng cáo, như: Cty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội, ga Hà Nội, Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội... Thậm chí, cạnh lối vào ga Hà Nội (cổng phía đường Trần Quý Cáp) là một quán bia lớn án ngữ, với tên gọi “Bia đường sắt”. Trước quán bia, cả đoạn lòng đường bị chiếm làm bãi đỗ xe, rác thải tập kết nhếch nhác. Mỗi ngày tới giờ cao điểm, xe cộ lại ùn ứ khi qua đoạn phố này vỉa hè bị chiếm dụng kinh doanh, xe cộ dựng tràn xuống lòng đường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là những ki-ốt thuộc đất của ngành Đường sắt, được chia nhỏ cho thuê từ hàng chục năm nay. Một số hộ đang thuê các ki-ốt này cho hay, họ phải thuê lại từ người của ngành Đường sắt với giá từ 5 đến 7 triệu đồng mỗi ki-ốt/tháng (tùy vị trí).
Trước đó, tại ga Gia Lâm (Long Biên, Hà Nội), việc cắt đất làm ki-ốt cho thuê, nhà hàng ăn uống cũng từng diễn ra phía mặt đường Ngọc Lâm. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc này đã tạm dừng, nhưng biển hiệu quán bia, hàng ăn vẫn còn đó. Trong khi đó, chính ga Gia Lâm hiện vẫn còn nợ tiền sử dụng đất nhiều năm chưa trả xong. Thậm chí, hồi tháng 3 vừa qua, Tổng cục Thuế đã có công văn gửi Cục Thuế Hà Nội thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu hồi tiền thu đất VNR con nợ tại ga Gia Lâm. Theo báo cáo tài chính của VNR, hết năm 2016, số tiền thuê đất ga Gia Lâm tạm tính còn nợ ngân sách trên 27 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR cho biết, việc ga Gia Lâm đã tạm dừng cho thuê vào mục đích kinh doanh, do luật không cho phép. Với các ki-ốt cho thuê phía đường Nguyễn Khuyến và Trần Quý Cáp, ông Minh nói, sẽ cho kiểm tra, rà soát lại. “Việc cắt đất cho thuê ngoài không phải giờ mới phát sinh. Các đoàn kiểm tra của Bộ GTVT, Bộ Tài chính cũng từng thực hiện, nhưng giờ tổng công ty sẽ kiểm tra lại cho rõ các lô đất cho thuê thuộc đơn vị nào, cho thuê ra sao. Dù đường sắt hiện còn tồn tại nhiều thứ cần thời gian để giải quyết, nhưng tinh thần chung vẫn là tuân thủ đúng các quy định pháp luật”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, việc đường sắt lập các ki-ốt cho thuê cũng có phần do lịch sử để lại, khi thực hiện tinh giản biên chế, cổ phần hóa, một số cán bộ công nhân viên phải nghỉ làm. Để giải quyết việc làm cho những lao động phải nghỉ, một số đơn vị đã lập các ki-ốt kinh doanh dọc các tuyến đường để họ có công ăn việc làm.
Liên quan tới số tiền thuê đất ga Gia Lâm còn nợ, chủ tịch VNR cho hay, do các quy định pháp luật thay đổi, dẫn tới những khúc mắc trong xác định các vị trí đất thuộc loại nào, có được miễn tiền thuê đất hay không; nếu phải trả tiền thuê mức giá là bao nhiêu... nên tới nay các khoản nợ tiền cho thuê đất vẫn chưa xác định xong. “Những vấn đề này một số bộ đang thống nhất để báo cáo Thủ tướng quyết định, hiện chúng tôi vẫn đợi các bộ thống nhất phương án cuối để thực hiện”, ông Minh lý giải.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 cấm mọi hình thức giao đất công cho các đơn vị sử dụng sai mục đích. Còn theo Nghị định 167/2017 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, với nhà, đất công đã bố trí cho mượn, thuê, hợp tác kinh doanh và các hình thức khác không đúng quy định, các đơn vị được giao đất phải thực hiện thu hồi lại để sử dụng đúng mục đích.