Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Tổng cục Thống kê đã đánh giá tác động của Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có thể đóng góp khoảng 1 điểm % tăng trưởng GDP mỗi năm trong giai đoạn 2025 - 2037.
Dự báo đến năm 2050, tổng nhu cầu vận tải hành khách của đường sắt khoảng 120 triệu lượt/năm, vận tải hàng hóa khoảng 18 triệu tấn/năm, điều này cho thấy dư địa đầu tư cho đường sắt tốc độ cao rất lớn.
Cũng tại phiên họp lần thứ hai Ban chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, việc triển khai đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Một quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải đầu tư đường sắt tốc độ cao để giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đề nghị Bộ GTVT đánh giá toàn diện các yếu tố: công nghệ, kỹ thuật, an toàn, tổ chức vận tải khai thác, năng lực vận tải (hàng hóa và hành khách) của đường sắt trên trục Bắc - Nam (gồm đường sắt tốc độ cao và đường sắt khổ 1.000mm hiện hữu), tính khả thi, phương án huy động vốn, hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế… để lựa chọn kịch bản tốt cho việc phát triển đường sắt tốc độ cao.
Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm với chiều dài khoảng 1.545 km, lộ trình đầu tư trước năm 2030.
Đánh giá về tầm quan trọng của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc, Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết, đường sắt tốc độ cao đã được Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền quan tâm nghiên cứu từ rất lâu. Đến thời điểm này phát triển đường sắt tốc độ cao là rất cần thiết.
Ông Khánh cho biết, trong quá trình phối hợp với các đơn vị và đặc biệt là được sự chỉ đạo của Bộ GTVT, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, Tổng công ty đã phối hợp hết sức tích cực bằng những kinh nghiệm của ngành trong quá trình khai thác vận hành, cũng như kinh nghiệm đã từng làm việc với các đối tác quốc tế có đường sắt tốc độ cao phát triển.
Ông Khánh đánh giá: "Đầu tư phát triển đường sắt tốc độ cao là hết sức thiết thực, cần phải đầu tư đường sắt tốc độ cao sớm và sớm hơn nữa. Đấy là những tiêu chí giải quyết những vấn đề "nóng" của chúng ta hiện nay".
Theo ông Khánh, Bộ GTVT đang trình Chính phủ về đường sắt tốc độ cao để Chính phủ báo cáo với Bộ Chính trị để thông qua Quốc hội. hi đường sắt tốc độ cao hoàn thành sẽ sử dụng lực lượng của Tổng công ty để tổ chức quản lý, khai thác vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao.
Tổng công ty đã và đang tổ chức triển khai xây dựng các đề án liên quan, chủ động xây dựng tái cơ cấu Tổng công ty để chuẩn bị cho việc quản lý, khai thác vận hành đường sắt tốc độ cao trong tương lai.
Dự kiến, có khoảng trên 13.000 cán bộ, nhân viên thực hiện quản lý, khai thác vận hành đường sắt tốc độ cao. Đây là nguồn lao động hết sức lớn, vì vậy, đường sắt đang chủ động phối hợp với các Bộ, ban ngành tổ chức triển khai thực hiện.
Tiếp đó, chủ động trong vấn đề công nghiệp hoá ngành đường sắt, chuẩn bị tinh thần tiếp nhận, chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao để chủ động trong vấn đề hoạt động cũng như điều hành. Sau này, phải chủ động trong việc sản xuất, không phụ thuộc vào các yếu tố khác.