Gần 700 người sẽ tham gia vận hành tuyến
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13,1km và 12 ga, cơ bản đã hoàn thành phần xây dựng, đạt trên 96%, ông Vũ Hồng Phương - Phó Giám đốc (phụ trách) Ban QLDA đường sắt (Bộ GTVT), nói tại toạ đàm do Báo Giao thông tổ chức sáng nay, 10/8.
Ông Phương cho biết một số hạng mục xây dựng vẫn đang được hoàn thiện trong giai đoạn sau khi lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống thiết bị chuyên ngành. Trang thiết bị cũng được nhập về khoảng 95%, số lượng lắp đặt hoàn chỉnh gần 80%.
Việc chạy thử, căn chỉnh… được ông Phương nhấn mạnh là triển khai gấp rút nhằm vận hành được tuyến này trong thời gian sắp tới.
"Hệ thống sẽ được cấp điện và đóng điện toàn tuyến trong tháng 8. Ngày 1/8, chúng tôi đã tiến hành thử cấp điện từ dây tiếp xúc cho đoàn tàu. Với phương pháp thử này, đoàn tàu đã được chạy trên toàn tuyến để kiểm tra nội dung cấp điện cho tàu", ông nói và cho biết công tác kiểm tra, vận hành sẽ được hoàn tất nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu của Bộ trưởng GTVT.
Nhân sự vận hành, ông Phương cho biết được chia thành 2 giai đoạn. Thời điểm đầu vận hành thử kỹ thuật sẽ do phía tổng thầu, thông qua một đơn vị có kinh nghiệm. Giai đoạn 2 sẽ đưa lực lượng được đào tạo cho dự án vào nhằm tiếp nhận và thực hiện vận hành về sau.
"Hiện nay, lực lượng kỹ thuật để phục vụ công tác vận hành thử do bố trí của tổng thầu, toàn bộ lực lượng kỹ thuật được hỗ trợ từ phía Trung Quốc sang đã có mặt tại hiện trường. Lực lượng này sẽ thực hiện theo từng giai đoạn cho từng chuyên ngành và sẽ kết thúc sau mỗi chuyên ngành", ông Phương nói.
Theo tính toán, sẽ có 681 nhân sự tham gia vào việc vừa đào tạo tại hiện trường vừa tiếp nhận dự án để sau này quản lý, vận hành và khai thác.
Vé không đắt vì có trợ giá
Ông Vũ Hồng Trường - TGĐ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) nhấn mạnh nhờ vào tuyến đường sắt trên cao này, thời gian di chuyển của người dân sẽ rút ngắn hơn nhiều so với các phương thức vận tải khác. Tốc độ lưu thông của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vào khoảng 35km/h.
Qua khảo sát, ông Trường cho biết 98% người dân được hỏi cho biết đều có biết đến dự án và 95% người được hỏi trả lời phải đi ít nhất là 1 lần đi thử.
Về giá vé, theo ông Trường, khảo sát cho thấy đa phần người dân có thể chấp nhận đi tuyến này giá vé lượt cao hơn buýt thông thường từ 35 - 37%. "Tuy nhiên, đa phần mọi người thích sử dụng vé tháng hơn, và chấp nhận cao hơn 10 - 15% xe buýt", ông nói.
Theo bảng giá của Hanoibus, giá vé lượt đồng hạng trong phạm vi tuyến có cự ly vận chuyển dưới 25km là: 7.000 đồng/vé/lượt. Giá vé lượt đồng hạng trong phạm vi tuyến có cự ly vận chuyển từ 25km đến 30km là: 8.000 đồng/vé/lượt.
Còn giá vé tháng bán cho các đối tượng không ưu tiên là 100.000 đồng/vé/tháng cho 1 tuyến và 200.000 đồng/vé/tháng cho đi liên tuyến.
Ông Trường cho biết hiện mức giá cụ thể chưa được công bố, tuy nhiên, mức vé do UBND TP. Hà Nội sẽ được đặt theo hướng có thể cạnh tranh với phương tiện cá nhân, đồng thời khuyến khích người dân dùng phương tiện vận tải công cộng.
"Giá vé sẽ được nhà nước trợ giá nên cũng sẽ không quá cao", ông nhấn mạnh.