Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa kiến nghị các bộ ngành báo cáo cấp thẩm quyền bố trí thêm hơn 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để đầu tư, nâng cấp các công trình đường sắt quốc gia, từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Tổng giám đốc VNR Hoàng Gia Khánh cho biết, ngoài gói 7.000 tỷ đồng đang triển khai, nhiều năm qua đường sắt ít được đầu tư cho nâng cấp, cải tạo hạ tầng, chủ yếu chỉ có kinh phí duy tu, bảo dưỡng.
Thực trạng thiếu đầu tư dẫn tới hạ tầng đường sắt cũ kỹ, lạc hậu, xuống cấp, số công trình quá hạn sử dụng số lượng rất lớn. Kéo theo đó nguy cơ uy hiếp an toàn chạy tàu, hạn chế năng lực khai thác của đường sắt, cần sớm được đầu tư với số lượng lớn.
Theo ông Khánh, các hạng mục cần đầu tư sửa chữa, nâng cấp tập trung vào phần nhà ga, bãi hàng để tăng năng lực bốc xếp container nhằm tạo lợi thế cho đường sắt.
Lãnh đạo VNR tính toán, nếu được đầu tư theo phương án đơn vị đề xuất, việc chạy tàu sẽ đảm bảo an toàn hơn, tăng tốc độ vận chuyển, năng lực thông qua tại các nhà ga. Từ đó rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hoá, nối dài các đoàn tàu để tối ưu hoá chi phí, thu hút thêm hàng container, đặc biệt container lạnh.
Đường sắt muốn xin bổ sung thêm hơn 7.000 tỷ đồng từ vốn đầu tư công để cải tạo đường sắt trong 5 năm tới.
Theo VNR, hiện mạng đường sắt quốc gia còn 28 hầm xuống cấp, trong đó tuyến Hà Nội - TPHCM có 22 hầm được xây dựng từ thời Pháp thuộc (những năm 1927-1935).
Ngoài ra, đường sắt còn có 297 ga hàng hoá và hành khách, với đa số các ga quy mô nhỏ, hạ tầng cũ, đường ray tránh tàu ít và ngắn nên thành nút thắt trong việc nối dài đoàn tàu; nhiều công trình ga hết niên hạn sử dụng, mất an toàn; hệ thống kho bãi thiếu, không có kho chuyên dụng cho hàng đông lạnh, thiếu kho bãi phục vụ container. Chưa kể một số đoạn đường cong bán kính hẹp ảnh hưởng tới tốc độ chạy tàu…
Trong hơn 7.100 tỷ đồng xin thêm để đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường sắt giai đoạn 2021-2025, VNR đề xuất đầu tư 1.900 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa 13 hầm xuống cấp; bố trí hơn 1.160 tỷ đồng để cải tạo đường cong bán kính nhỏ, xử lý các điểm nguy cơ sạt lở; khoảng 1.700 tỷ đồng để cải tạo, thay thế 87 cầu nguy hiểm.
Đặc biệt, VNR kiến nghị ngân sách bố trí khoảng 2.380 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 41 nhà ga hành khách và hàng hóa trong giai đoạn 2022-2023, nhằm nâng cao năng lực và tăng hiệu quả cho vận tải đường sắt, mở rộng hoạt động chở hàng.
Theo Bộ GTVT, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2026 được phê duyệt, dự kiến ngân sách bố trí cho đường sắt hơn 15.900 tỷ đồng, bằng khoảng 4,7% tổng nguồn vốn đầu tư công lĩnh vực giao thông. Số vốn này dự kiến khởi công mới 4 dự án đường sắt gồm 3 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-TPHCM; cải tạo, nâng cấp 3 ga hành khách và 6 ga hàng hóa.
Trước đó, giai đoạn 2016 - 2020, vốn đầu tư cho đường sắt từ ngân sách trung ương chỉ đạt 18.657 tỷ đồng (khoảng 8% tổng vốn cho giao thông); tổng vốn bảo trì đường sắt hơn 13.267 tỷ đồng.