Đường Vành đai 2 được quy hoạch từ năm 2007 và được đánh giá là dự án rất quan trọng cho giao thông khu vực ngoại vi bao quanh TPHCM. Cụ thể, dự án sẽ đi qua Quận 2, Quận 7, Quận 8, Quận 9, Bình Tân, Bình Chánh và TP.Thủ Đức. Tuyến đường có tổng chiều dài hơn 64km, nhưng hiện này còn 14km chưa khép kín và được chia làm 4 đoạn.
Trong đó, đoạn 1 dài 3,82km từ cầu Phú Hữu đến Xa Lộ Hà Nội; đoạn 2 từ Xa Lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng dài 2km; đoạn 3 dài 2,75km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa; cả 3 đoạn này đều nằm trên địa bàn TP.Thủ Đức. Và đoạn 4 dài 5,3km từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh thuộc địa bàn huyện Bình Chánh.
Đoạn 1 dự kiến vốn đầu tư gần 8.600 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn đầu, dự án giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn chỉnh ước tính khoảng 6.400 tỷ đồng. Công trình tiến hành làm trước đường song hành hai bên, mỗi bên 3 làn xe.
Đoạn 2 được chia làm hai giai đoạn triển khai. Cụ thể, ước tính vốn đầu tư giai đoạn đầu làm công trình này hơn 8.400 tỷ đồng. Dự án triển khai giải phóng mặt bằng thực hiện theo quy mô hoàn chỉnh từ đầu và làm đường song hành hai bên, xây dựng hoàn chỉnh nút giao ba tầng tại ngã ba Phạm Văn Đồng - Linh Đông.
Đoạn 3 của dự án do Công ty CP Văn Phú Bắc Ái làm chủ đầu tư đoạn đường 2,75km nhưng đã ngưng thi công gần 2 năm nay. Tổng vốn đầu tư cho đoạn 3 vào khoảng 2.700 tỷ đồng. Đoạn 3 bị gián đoạn do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.
Sở Giao thông Vận tải thành phố cho biết, đoạn 4 của Vành đai 2 dài 5,3km từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh có tổng đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng, đang được thành phố cân đối trong kế hoạch trung hạn 4 năm tới.
Khi tuyến đường Vành đai 2 hoàn thiện sẽ góp phần đẩy mạnh lưu thông giữa các tỉnh thuộc khu vực Đông và Tây Nam Bộ mà không cần đi qua khu vực nội thành TPHCM. Đặc biệt, tuyến đường đi qua 9 quận, huyện khác nhau sẽ đóng góp vào sự phát triển của kinh tế giữa các khu vực. Ngoài ra, dự án đường Vành đai 2 được xây dựng như một giải pháp để tháo gỡ khó khăn về tình trạng ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó, Đường Vành Đai 2 giúp tổ chức lại giao thông của thành phố, đưa các xe vận tải, xe chở hàng, vật tư công nghiệp, đi theo hệ thống khu công nghiệp, cảng và các khu chế xuất. Từ đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ bớt quá tải nhờ vào hoạt động thiết thực của đường Vành Đai 2, phục vụ cho việc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế – xã hội thành phố.