Tuyến đường Vành đai 3 có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 75.777 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 41.872 tỷ đồng.
Về phương án vốn đầu tư, ngân sách trung ương hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư các dự án thành phần ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và 100% tổng mức đầu tư dự án thành phần ở Long An. Trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 41.872 tỷ đồng.
Tổng quan các phân đoạn Vành Đai 3
Theo quy hoạch, dự án tuyến đường vành đai 3 đi qua địa phận 4 tỉnh, thành: Long An, Bình Dương, TPHCM và Đồng Nai. Tổng chiều dài của tuyến đường hơn 90km, trong đó phải làm mới hơn 70km. Về phương án đầu tư, dự án được chia làm 4 đoạn, cụ thể lần lượt là:
Đoạn 1: Từ Nhơn Trạch đến Tân Vạn. Đường Vành đai 3 Tân Vạn – Nhơn Trạch có chiều dài 34,3km. Quy mô 6 làn xe giai đoạn 1 (tăng lên 8 làn xe giai đoạn 2). Hướng tuyến đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai (Nhơn Trạch) và TP.HCM.
Đoạn 2: Từ Tân Vạn đến Bình Chuẩn. Đường Vành đai 3 đoạn Bình Chuẩn – Tân Vạn dài 16,7km. Tỉnh Bình Dương đã đầu tư xây dựng theo hình thức PPP, cơ bản đã đưa vào khai thác.
Dự án Vành đai 3 được chia làm 4 đoạn đi qua các tỉnh, thành: Long An, Bình Dương, TPHCM và Đồng Nai.
Đoạn 3: Từ Bình Chuẩn đến Quốc lộ 22. Đường Vành đai 3 đoạn QL.22 – Bình Chuẩn dài 19,1 km, đi qua địa phận Bình Dương và TP.HCM. Tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng.
Đoạn 4: Từ Quốc lộ 22 về Bến Lức. Đường Vành đai 3 đoạn Bến Lức – QL.22 dài 28,9km, đi qua địa phận TP.HCM và Long An. Ước tính tổng mức đầu tư giai đoạn 1 vào khoảng 11.000 tỷ đồng.
Theo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, giai đoạn 1 dự án dài hơn 76km, thực hiện 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên quy mô tối thiểu 2 làn xe. Cũng ở giai đoạn 1, dự án sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch để giữ đất nhằm tạo thuận lợi khi đầu tư giai đoạn 2 lên 8 làn xe.
Năm 2025 "khép kín" đường vành đai 3 - TP.HCM
Dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch năm 2011, được xem là tuyến đường mang tính chiến lược cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, tạo sự liên kết cho cả vùng. Từ đó, sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Để đẩy nhanh tiến độ, trong tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, UBND TP.HCM cũng đã đặt ra các mốc tiến độ cụ thể cho dự án.
Cụ thể, từ năm 2022 - 2023, chuẩn bị thực hiện đầu tư, quý IV/2023 sẽ khởi công dự án. Năm 2025, thi công cơ bản sẽ hoàn thành, thông xe toàn tuyến và năm 2026 sẽ hoàn thiện tuyến đường.