Đây là nội dung được chia sẻ tại Hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam bộ lần 4, quý I tổ chức tại Đồng Nai ngày 15/3.
Ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đại diện các địa phương vùng Đông Nam bộ báo cáo kết quả thực hiện các nội dung phối hợp triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh năm 2023.
Kế hoạch có tổng cộng 10 nội dung phối hợp cấp vùng. Đến hết năm 2023, có 5/10 nội dung phối hợp cấp vùng đã thực hiện. Còn lại 4 nội dung hoàn thành một phần, và 1 đang thực hiện.
Để triển khai các dự án thành phần của đường Vành đai 3, UBND TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An đã cùng phối hợp thực hiện.
Các dự án thành phần do TP.HCM, Bình Dương, Long An làm cơ quan chủ quản đều bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng của gói thầu khởi công, tính đến trước thời điểm khởi công ngày 30/6/2023.
Tuy nhiên, với khối lượng mặt bằng còn lại (chủ yếu là đất ở) tiến độ bàn giao mặt bằng triển khai chậm. Riêng đoạn qua tỉnh Đồng Nai, công tác giải phóng mặt bằng triển khai rất chậm.
Ông Võ Tấn Đức – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh đang tập trung công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Đồng Nai cam kết với Chính phủ, TP.HCM và các tỉnh trong vùng sẽ hoàn thành trước tháng 6.
Dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM dài khoảng 76,34km; đi qua địa phận TP.HCM và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Trong đó, đoạn đi qua địa bàn Đồng Nai dài hơn 11,2km.
Ông Trần Quang Lâm cũng cho biết, vật liệu phục vụ xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM cũng là khó khăn cần sớm tháo gỡ.
UBND TP.HCM và các tỉnh đang tập trung phối hợp tìm kiếm nguồn vật liệu cát đắp nền cung cấp cho các vành đai, cao tốc. Trước mắt là cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Trong giai đoạn 2024-2025, UBND TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ tiếp tục phối hợp triển khai tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án thành phần, đảm bảo cơ bản hoàn thành Vành đai 3 năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
"Đồng thời, các tỉnh trong vùng nghiên cứu phương án đầu tư nâng cấp Vành đai 3 đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, nhu cầu vận tải theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", ông Lâm chia sẻ.