Báo cáo vào đầu tháng 2/2022
Tại thông báo số 21/TB-VPCP ngày 24/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao UBND TPHCM thành lập ngay tổ công tác nghiên cứu, chuẩn bị phương án đầu tư tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM.
Theo đó, tuyến đường Vành đai 3 và Vành đai 4 đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra không gian phát triển mới.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo nghiên cứu phương án triển khai đầu tư; tuy nhiên, do các dự án đi qua các đô thị, có tổng mức đầu tư lớn, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư rất cao nên việc đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP gặp nhiều khó khăn và khó khả thi, nhất là đường Vành đai 3.
Trên cơ sở báo cáo của UBND và ý kiến của các bộ, ngành và các địa phương, Thủ tướng thống nhất đầu tư công đối với đường Vành đai 3 để đẩy nhanh tiến độ, trong đó sử dụng kết hợp vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương và Vành đai 4 tiếp tục nghiên cứu đánh giá đề xuất tính khả thi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1263/TTg-CN ngày 29/9/2021.
Sơ đồ đoạn tuyến đường Vành đai 3.
Thủ tướng giao UBND TPHCM là cơ quan chuẩn bị đầu tư dự án Vành đai 3 (cơ quan tổ chức lập, trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) tổ chức hội thảo, xin ý kiến các cơ quan liên quan, các đối tượng tác động …, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. UBND TPHCM khẩn trương chỉ đạo sớm hoàn thiện dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vào đầu tháng 2/2022, sao cho bảo đảm tiến độ, chất lượng trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2022.
Để sớm thống nhất phương án đầu tư các dự án, Thủ tướng giao UBND TPHCM thành lập ngay tổ công tác nghiên cứu, chuẩn bị phương án đầu tư tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 do Chủ tịch UBND TPHCM là tổ trưởng tổ công tác. Ngoài ra, tổ công tác còn có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Thứ trưởng Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu…
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo tổ công tác và công tác triển khai các dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM bảo đảm tính khả thi, tiến độ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả.
Nhiệm vụ của tổ công tác là xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết bảo đảm tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2022; rà soát kỹ lưỡng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư bảo đảm tiết kiệm, tuân thủ quy định pháp luật tránh lãng phí, tiêu cực; rà soát kỹ các loại đơn giá và phân tích, giải trình rõ lý do tại sao suất đầu tư 1km đường của dự án cao; rà soát kỹ lưỡng hướng tuyến, quy mô đầu tư để không lãng phí và hiệu quả; nghiên cứu, đề xuất tỷ lệ vốn hợp lý, khả thi, hiệu quả giữa trung ương, địa phương và các cơ chế, chính sách cần thiết, khả thi để triển khai dự án nhanh nhất có thể.
Lo thiếu vốn
Đường Vành đai 3 được chia thành 4 đoạn tuyến với tổng chiều dài 91,66km và 8,3km các tuyến nối. Dự kiến mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 84.684 tỷ đồng. Theo phương án của Bộ Giao thông Vận tải, dự án được chia thành 2 phần, trong đó phần giải phóng mặt bằng và xây dựng đường song hành hai bên sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương. Phần xây dựng đường cao tốc 4 làn xe sẽ thực hiện theo phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) hợp đồng BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao).
Dự án Vành đai 3, Vành đai 4 có vai trò huyết mạch đối với các địa phương trong vùng. |
Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu 4 phương án đầu tư nhưng có đến 3 phương án không thể hoàn vốn mặc dù đã có sự hỗ trợ của nhà nước tối đa là 50% tổng mức đầu tư. Riêng đối với phương án kiến nghị đầu tư theo hình thức PPP phần đường cao tốc có sử dụng phần vốn nhà nước hỗ trợ, dù được đánh giá là khả thi nhất nhưng Bộ Giao thông Vận tải cũng phải thừa nhận với thời gian thu phí hoàn vốn 29 năm, phương án này cũng rất khó thu hút nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng.
Trong khi đó, theo UBND TPHCM, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đường song hành hai bên của dự án rất lớn, khoảng 52.468 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh vừa trải qua khó khăn của dịch bệnh, TPHCM và các tỉnh chưa thể cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để tham gia thực hiện dự án giai đoạn 2021-2025.
Do đó, TPHCM cùng 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã thống nhất kiến nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách để đầu tư dự án khoảng 83.290 tỷ đồng. Trường hợp vốn ngân sách Trung ương không cân đối đủ toàn bộ kinh phí, đề xuất Trung ương hỗ trợ toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 46.971 tỷ đồng. Đối với phần xây lắp, các địa phương sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, không chỉ giải tỏa giao thông nội đô, dự án Vành đai 3, Vành đai 4 có vai trò huyết mạch đối với các địa phương trong vùng. Đây còn là điểm đầu loạt tuyến cao tốc như TPHCM-Mộc Bài, kết nối TPHCM giữa các địa phương, sau khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện mở những cửa ngõ đang ùn tắc. Các tỉnh phía Nam là địa bàn vừa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Nếu nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối sẽ góp phần rất lớn thúc đẩy giao thương, phục hồi kinh tế toàn vùng.