Ngày 25/2, Nghị định 04/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công có hiệu lực thi hành. Để quy định khoán xe công đi vào thực chất, cần có sự giám sát chặt chẽ, hiệu quả, đồng bộ, tránh tình trạng nửa vời, hình thức như những năm trước đây.
Theo một báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, mỗi năm ngân sách phải chi phí cho xe công chiếm một con số không nhỏ trong điều kiện ngân sách eo hẹp, nợ công cao và thu nhập bình quân đầu người còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của thế giới.
Vì vậy, siết chặt, hạn chế tới mức thấp nhất việc dùng ngân sách mua sắm xe công và thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe công được coi là cách quản lý hiệu quả, tiết kiệm ngân sách. Và lần này, Nghị định của Chính phủ đã “nêu đích danh” những vị trí lãnh đạo được quyền lựa chọn nhận khoán kinh phí sử dụng xe công. Còn lại, các cơ quan, đơn vị, cá nhân cán bộ, công chức, viên chức thuộc cấp cục, vụ, viện, sở, ngành địa phương và cấp huyện là đối tượng bắt buộc thực hiện quy định này.
Thực hiện quy định này, mỗi năm, cả nước sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỉ đồng vì không phải chi tiền mua sắm xe mới, bảo trì, bảo dưỡng định kỳ và không phải trả lương hàng tháng cho vị trí lái xe trong các cơ quan như hiện nay.
Con số này đã được chứng minh qua thời gian thí điểm khoán xe công. Chẳng hạn, 8 cơ quan, đơn vị tại Hà Nội đã áp dụng khoán từ cách đây 2 năm, trung bình một xe tiết kiệm được 6,7 triệu đồng/tháng. Ở thành phố Hồ Chí Minh, mới chỉ khoán chi 5 đơn vị cũng tiết kiệm ngân sách hơn 1,2 tỷ đồng/năm. Với hàng vạn cơ quan, tổ chức và hàng vạn xe công như hiện nay, nếu thực hiện nghiêm việc khoán kinh phí sẽ tiết kiệm cho ngân sách hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.
Việc mua sắm xe công cũng đã được siết chặt. Nếu như năm ngoái, Chính phủ tạm dừng việc mua sắm ô tô chức danh, ô tô phục vụ công tác chung, ô tô chuyên dùng; thì năm 2019 này, Chính phủ tiếp tục thực hiện đề nghị "Không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền và mua sắm xe công" của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Bởi, theo báo cáo của các cơ quan nhà nước, những năm gần đây số lượng xe công của nước ta lên tới con số gần 40.000 chiếc, trong số đó 11.000 chiếc đến hạn thanh lý, và thừa khoảng 7.000 xe ở hầu hết các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương.
Trong điều kiện sắp xếp, tinh giản bộ máy theo hướng gọn nhẹ, việc sáp nhập giải thể nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương thời gian tới cũng sẽ giảm bớt nhu cầu mua sắm và sử dụng xe công. Và chắc chắn việc thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe công cũng sẽ hạn chế những hội thảo, hội nghị, những cuộc họp, những chuyến công tác không cần thiết, ít nội dung thiết thực, để tiết kiệm chi thường xuyên cho ngân sách. Và dứt khoát, không ai được dùng tiền thuế của dân vào việc mua sắm, sử dụng “xe công” một cách tràn lan, kém hiệu quả./.