Theo thông tin của Đầu tư, Ban chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 vùng Thủ đô vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4
Một trong những thông tin đáng chú ý nhất trong báo cáo chính là kết quả khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với Dự án thành phần 3 – Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Theo đó, tại thời điểm hết hạn nộp hồ sơ quan tâm vào 9h ngày 11/12/2022, kết quả khảo sát sự quan tâm chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm là Công ty cổ phần Tập đoàn T&T.
Theo quy định tại Nghị định số 35/2021/NĐ – CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP, hình thức lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án thành phần 3 – xây dựng đường cao tốc Vành đai 4 là đấu thầu rộng rãi trong nước không thực hiện sơ tuyển.
Được biết, trước đó trong thông báo khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với Dự án thành phần 3 - Đầu tư xây dựng hệ thông đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết tuyến đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội là vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.
Theo đó, đầu tư xây dựng đường cao tốc với tổng chiều dài 112,8km (Hà Nội: 58.2 Km; Hưng Yên: 19,3Km; Bắc Ninh: 25,6 Km và tuyến nối 9,7km). Mặt cắt ngang trên tuyến cao tốc đảm bảo 04 làn xe (mặt cắt ngang 17,0m, bề rộng cầu 17,5m theo chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội) và 08 nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng (nút giao cao tốc Hà Nội- Lào Cai; nút giao trục Mê Linh; nút giao trục đại lộ Thăng Long; nút giao QL6; nút giao Pháp Vân- Cầu Giẽ; nút giao cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; nút giao QL38; nút giao cao tốc Nội Bài – Bắc Ninh) cùng với các lối ra vào đường cao tốc bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả.
Tổng mức đầu tư là 56.536 tỷ đồng; trong đó, trên tuyến có các cầu vượt sông chính, bao gồm: Cầu Hồng Hà (cách cầu Thăng Long về thượng lưu 11,5km) tổng chiều dài khoảng 5.015m, kết cấu cầu BTCT dự ứng lực, nhịp lớn nhất 135m, ,5m. Cầu Mễ Sở (cách cầu Thanh Trì về hạ lưu khoảng 16km) tổng chiều dài khoảng 2.647m, kết cấu cầu BTCT dự ứng lực, nhịp lớn nhất 135m, ,5m. Cầu Hoài Thượng (cách cầu Đuống về hạ lưu 32km) tổng chiều dài khoảng 990m, kết cấu cầu BTCT dự ứng lực, nhịp lớn nhất 120m, ,5m.
Địa điểm thực hiện dự án: Thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh. Thời gian thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được hoàn thành tháng 01/2023. Lựa chọn nhà đầu tư sẽ hoàn thành tháng 6/2023. Dự án sẽ được Khởi công xây dựng vào tháng 6/2023 và cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.