Được xuất khẩu, vẫn 3 năm liền bán không hết
Theo báo cáo của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV), năm 2019 TKV được phép xuất khẩu 2 triệu tấn than. Nhưng khối lượng than xuất khẩu ước thực hiện năm 2019 khoảng 1,2 triệu tấn (bằng 59% kế hoạch).
Tổng công ty Đông Bắc được phép xuất khẩu 50 nghìn tấn, nhưng dự kiến chỉ bán được 10 nghìn tấn.
Theo các đơn vị này, nguyên nhân chính của việc thực hiện xuất khẩu than năm 2019 thấp hơn kế hoạch là do thị trường xuất khẩu than truyền thống của TKV và Tổng công ty Đông Bắc chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khu vực châu Âu với yêu cầu cao về chất lượng than và tiến độ giao hàng.
Xuất khẩu than cũng khó tiêu thụ. Ảnh: Lương Bằng
Thời điểm đầu năm 2019, giá than thế giới ở mức cao, than xuất khẩu của Việt Nam có sức hấp dẫn với các nhà sử dụng nước ngoài. Tuy nhiên, các đơn vị trên cho rằng việc chậm được đồng ý xuất khẩu than dẫn đến cảnh “ế” than.
Cụ thể, đến tháng 5/2019 sau khi kế hoạch xuất khẩu than được thông qua, TKV và Tổng công ty Đông Bắc mới có cơ sở tổ chức thực hiện xuất khẩu than nên các đối tác truyền thống (đặc biệt là Nhật Bản) đã tìm kiếm nguồn than thay thế và ký kết các hợp đồng mua bán than trong năm 2019 với các nhà cung cấp khác. “Đây cũng là thời điểm giá than thế giới có chiều hướng giảm nên việc tìm kiếm đối tác mới gặp nhiều khó khăn”, TKV cho biết.
Đáng chú ý, đây là năm thứ 3 liên tiếp xuất khẩu không hết lượng than được Bộ Công Thương cho phép xuất. Trong hai năm 2017 và 2018, lượng than xuất khẩu cũng thấp hơn kế hoạch đặt ra.
Bộ Công Thương giải thích: Khối lượng than xuất khẩu năm 2017 và 2018 của hai đơn vị trên là hơn 4 triệu tấn, bao gồm hơn 2 triệu tấn than cục, tham cám 1-2-3 cho thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu, còn 2 triệu tấn than cám khu vực Vàng Danh - Uông Bí (là loại than có chất lượng bốc thấp, lưu huỳnh cao, nhu cầu sử dụng trong nước ít) cho thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, năm 2017 chúng ta không xuất khẩu được loại than này, 2018 chỉ xuất được 50.000 tấn sang Thái Lan.
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chính do Trung Quốc áp dụng quy định về hàng rào chất lượng đối với than nhập khẩu, các loại than nhập khẩu vào Trung Quốc trước khi pha trộn, sử dụng phải được giám định lại chất lượng theo hàng rào tiêu chuẩn các nguyên tố vi lượng như thủy ngân, arsen, clo, flo,... do Chính phủ Trung Quốc quy định.
Bộ Công Thương thừa nhận than antraxit của Việt Nam không thể đáp ứng được các tiêu chuẩn trên.
Khi đó, TKV đã phải liên hệ với đối tác ngoài Trung Quốc để xuất khẩu và pha trộn với các chủng loại than khác để tiêu thụ trong nước và đã chế biến, tiêu thụ trong nước hết khối lượng than trên.
Cảng nhập than của một nhà máy nhiệt điện. Ảnh: Lương Bằng |
Đằng sau chuyện vừa phải nhập vừa cho xuất than
Theo Bộ Công Thương, kết quả cân đối cung cầu than hiện nay cho thấy, giai đoạn đến năm 2030 Việt Nam sẽ dư thừa than cục, than cám 1-2-3 mà trong nước chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết với khối lượng khoảng 2,1 triệu tấn/năm.
Đây là loại than chỉ có ở Việt Nam, sử dụng phù hợp cho công nghệ luyện thép chất lượng cao (thép không gỉ) của Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2018, Việt Nam nhập khẩu tới 23,78 triệu tấn than, trong đó chủ yếu là than bitum và á bitum cho sản xuất điện, không có chủng loại than cục, than cám 1-2-3.
Nhiều ý kiến lâu nay vẫn thắc mắc vì sao thiếu than cho nhiệt điện phải nhập khẩu, vẫn đem xuất khẩu than? Thực tế, đó là bài toán cân đối lợi ích,
Chia sẻ với PV. VietNamNet, một chuyên gia có hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành khoáng sản cho rằng việc xuất khẩu than phải được nhìn nhận kỹ lưỡng, không phải cứ thấy “thiếu than cho điện” mà băn khoăn việc xuất khẩu.
“Than xuất khẩu là loại có giá trị rất cao. Nếu cho TKV xuất khẩu 10 triệu tấn than, thì tiền thu về có thể nhập được 25-30 triệu tấn than cho điện. Như vậy, chúng ta sẽ cân bằng được năng lượng ngay”, vị này chia sẻ và cho rằng dùng than tốt để đốt điện là lãng phí.
Bởi vì, than dùng để đốt điện không cần độ tro với chất bốc cao, mà cần độ bền nhiệt. Xỉ than antraxit (loại xin xuất khẩu) có chất bốc cao, độ tro thấp nên bay lên trời, sinh ra bụi mịn, gây ô nhiễm môi trường. Còn loại than bitum để đốt điện thường kết lại thành keo, xỉ hạt xỉ tấm rất dễ xử lý, có thể trộn lẫn với sản phẩm hóa dầu phụ dầu làm phụ gia làm giao thông, hạ tầng.
“Xuất khẩu 1 triệu tấn than tốt là nhập khẩu được 3 triệu tấn than cho điện”, chuyên gia này tính toán bài toán kinh tế.