Dịch bệnh khiến ngành du lịch tại Việt Nam chững lại. Mô hình kinh doanh homestay tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung từ đó cũng gặp nhiều khó khăn.
Từ giữa năm 2020, anh Dương Văn Mạnh cùng một nhóm nhà đầu tư đã quyết định bỏ hàng chục tỷ đồng để mở rộng chuỗi homestay tại Cát Bà (Hải Phòng). Tuy nhiên, dự án vừa đi vào hoạt động chỉ vỏn vẹn được hơn 20 ngày, đợt dịch COVID-19 bùng phát khiến toàn bộ cơ sở hạ tầng bỏ trống cho đến hiện tại. Không có khách, nhưng vẫn phải gồng gánh nhiều chi phí đang là sức ép rất lớn cho chủ đầu tư.
"Trong nhóm những người đầu tư, nhiều người phải chấp nhận cắt lỗ ra đi, tức lúc đầu tư lên tới cả chục tỷ đồng nhưng chấp nhận ra đi tay trắng", anh Dương Văn Mạnh chia sẻ.
Du lịch bất động vì dịch bệnh khiến hoạt động kinh doanh của các homestay tê liệt. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Theo nhận định của giới chuyên gia, đầu tư kinh doanh homestay là một trong những phân khúc chịu thiệt hại nặng nhất do dịch COVID-19. Tuy nhiên trong dài hạn, nếu các nhà đầu tư có thể chống chọi được qua các đợt bùng phát đại dịch, thì khi dịch bệnh qua đi, sức bật sẽ rất mạnh do nhu cầu đi du lịch như lò xo bị ép lâu ngày. Do vậy, nhiều phương án chống chọi đã được các nhà đầu tư đưa ra.
"Bây giờ tôi chuyển sang một ngành nghề hoàn toàn xa lạ với ngành nghề du lịch, đó là bất động sản. Tôi mở một sàn bất động sản tại Cát Bà. Hiện tôi đang lấy cái A để nuôi cái B", anh Dương Văn Mạnh chia sẻ thêm.
Dưới góc nhìn tích cực, nốt trầm COVID-19 chính là phép thử để thanh lọc. Vì vậy, hiện chính là thời điểm thích hợp để thay đổi suy nghĩ về cách kinh doanh, giúp nhà đầu tư tìm ra hướng đi bền vững cho tương lai.
(Theo VTV)