Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về vốn thực hiện, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tính tới 20/7/2021 ước tính đã giải ngân được 10,5 tỷ USD. Tình hình dịch bệnh càng ngày càng phức tạp hơn ở trong nước khiến số vốn thực hiện trong tháng 7 giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 39,7% so với tháng trước.
Về tình hình đăng ký đầu tư, tổng số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tính đến ngày 20/7/2021 đạt 16,7 tỷ USD, con số này giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, thì lượng vốn FDI điều chỉnh, vốn góp và mua cổ phần đều giảm.
Số vốn FDI trước đó đã giảm từ tháng cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021 do dịch bệnh Covid-19 có chuyển biến xấu ở Bắc Ninh và Bắc Giang. Tháng 6 số vốn FDI đăng ký là 15,27 tỷ USD tức là giảm 2,6% so với cùng kỳ.
Về phía các đối tác đầu tư, trong tháng 7 đã có 86 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Dẫn đầu là Singapore với tổng vốn đầu tư là 5,92 tỷ USD, chiếm gần 35,4% tổng lượng vốn FDI vào Việt Nam. Tiếp theo là Nhật Bản, với số vốn chiếm gần 15,2% tổng vốn FDI. Đứng thứ 3 là Hàn Quốc sau đó lần lượt là Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc),…
Tuy là nước có số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam cao nhất nhưng số tiền mà Singapore dành cho Việt Nam vào tháng 7 năm nay cũng giảm 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với Singapore vốn đầu tư của Hàn Quốc vào nước ta cũng giảm 22,2% so với cùng kỳ.
Trong 7 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 57 tỉnh, thành phố trên cả nước. Riêng hai tỉnh, thành phố có lượng vốn FDI đổ vào nhiều nhất là Long An (3,58 tỷ USD) và TP HCM (1,78 tỷ USD), với tỷ lệ trên tổng số vốn FDI đăng ký lần lượt là 21,4% và 10,7%. Theo sau là Bình Dương, Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội...
Diễn biến phức tạp của đợt dịch Covid-19 lần này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút FDI của Việt Nam. Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố vào giữa tháng 7/2021 cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đã bị suy giảm mạnh do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4.
Cụ thể, số liệu từ báo cáo cho thấy, niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài đã giảm 45,8 điểm phần trăm (so với mức 73,9 điểm phần trăm của quý 1/2021). Dù chưa xuống mức thấp nhất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện nhưng đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi có dịch.
Tuy vậy, trong tình hình này, vẫn có những điểm sáng đáng được nhắc đến khi nói về tình hình vốn FDI ở Việt Nam. Số tổng đầu tư của Nhật Bản trong thời điểm này lại tăng 58,2% so với cùng kỳ. Mặc cho việc thu hút vốn FDI gặp nhiều khó khăn thì vốn FDI giải ngân vẫn tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhiều dự án đầu tư lớn vẫn được diễn ra trong 7 tháng đầu năm 2021, có thể kể đến như: Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II, hợp tác với Singapore có tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD hay dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II hợp tác với Nhật Bản với tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD…
Ngoài ra, việc đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng đầu năm cũng có phần khởi sắc với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 570,1 triệu USD, tăng gần 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020.