Trao đổi với Báo Người Lao Động chiều 2-10, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân thông tin phía Việt Nam đã có báo cáo gửi Ủy ban Châu Âu (EC) về kết quả mà phía Việt Nam thực hiện các yêu cầu, khuyến nghị từ phía EC.
Tuy nhiên, phía EC chưa thông báo lại ngày, giờ cụ thể sẽ sang Việt Nam thanh tra, xem xét gỡ bỏ thẻ vàng cho thủy sản.
Đợt thanh tra lần thứ 5 của EC được đánh giá là thời điểm quan trọng để Việt Nam gỡ cảnh báo "thẻ vàng " IUU (hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định).
Theo Cục Thủy sản, chuyến thanh tra này không chỉ là một bài kiểm tra chất lượng mà còn là cơ hội để Việt Nam củng cố vị thế trên thị trường quốc tế.
Chuyến thanh tra của phái đoàn EC lần này là một sự kiện quan trọng đối với ngành thủy sản Việt Nam. Đây không chỉ là một thách thức mà còn là một cơ hội để Việt Nam chứng minh chất lượng sản phẩm và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
"Ngành thủy sản Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý để đảm bảo rằng các yêu cầu của EC được đáp ứng một cách toàn diện và hiệu quả" - Cục Thủy sản cho biết.
Trong những năm gần đây, các thành viên của Liên minh châu  (EU) đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản hàng năm.
Ngày 23-10-2017, EC chính thức rút "thẻ vàng " đối với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác hải sản vì vi phạm các nguyên tắc IUU (hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định).
Đến nay, hành trình gỡ "thẻ vàng " IUU của Việt Nam đã kéo dài gần 7 năm với rất nhiều quyết tâm, nỗ lực của các cấp ngành trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao ý thức người dân.