Trong hơn 1 thế kỷ, thành quả của các nhà đầu tư đã thăng hoa nhờ những khoản đầu tư giá trị, nói một cách khác là mua cổ phiếu của những công ty có mức giá rẻ dựa theo các yếu tố cơ bản của họ. Warren Buffett vốn nổi tiếng là một nhà đầu tư giá trị. Ông đã miêu tả về cách tiếp cận này một cách ngắn gọn: "Cho dù chúng ta đang nói về những đôi tất (socks) hay cổ phiếu (stocks), thì tôi vẫn muốn mua những đồ chất lượng khi mức giá được hạ xuống."
Dù nhiều nhà đầu tư giá trị, bao gồm cả tỷ phú Warren Buffett, đã có được thành quả trong một thời gian dài, nhưng họ vẫn trải qua những thời điểm khó khăn trong thập kỷ vừa qua. Bạn có thể đánh giá mức độ đắt đỏ của một cổ phiếu bằng cách nhìn vào giá trị sổ sách (chỉ số P/B) – đo lường về việc thị trường cho rằng công ty này có giá trị như thế nào so với lợi nhuận ròng trên bảng cân đối kế toán.
Kể từ năm 2010, chỉ số Russell 1000 value index – theo dõi các cổ phiếu Mỹ có chỉ số P/B thấp và kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận thấp, chỉ tăng 87%, trong khi thị trường tăng 171%. Thay vì quay trở lại với chiến lược "thực tế" như những nhà đầu tư giá trị đã dự đoán, thì cổ phiếu của các công ty Mỹ có mức giá đắt nhất trong năm 2010 phần lớn vẫn tiếp tục tăng vọt.
Theo công ty đầu tư AQR Capital Management, năm 1967, chỉ số P/B của 1/3 cổ phiếu đắt nhất thị trường chứng khoán Mỹ có mức giá cao hơn khoảng 5 lần so với 1/3 cổ phiếu rẻ nhất. Tỷ lệ này đã tăng lên đều đặn kể từ năm 2015 và đã chạm mức cao kỷ lục là 12 lần vào tháng 3 vừa rồi – khi công ty này ngừng phân tích.
Khi đại dịch diễn ra, sự chênh lệch giữa các cổ phiếu rẻ nhất và đắt nhất chỉ tăng lên chứ không hề giảm đi. Nhiều nhà phân tích tài chính đã rất bất ngờ khi cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn tại Mỹ đã thực sự tăng giá trong năm nay. Nhìn sâu hơn, chứng khoán Mỹ đã chia làm 2 diễn biến. Trong khi cổ phiếu của các công ty phát triển nhanh với chỉ số P/B cao đã tăng khoảng 20% kể từ đầu tháng 1, thì cổ phiếu của các công ty giá trị lại giảm hơn 10%.
Có một lời giải thích rõ ràng cho tất cả những điều này, đó là đà tăng mạnh mẽ của cổ phiếu công nghệ - vốn rất khó phân tích bằng những công cụ định giá tiêu chuẩn. Ví dụ, những công cụ như giá trị sổ sách có thể không thể đánh giá chính xác tài sản vô hình (intangible assets) của các công ty, chẳng hạn như sức mạnh thương hiệu hay giá trị tài sản trí tuệ của họ. Hơn nữa, không như những công ty giá trị, các công ty công nghệ lớn có xu hướng trở thành những công ty có bản chất độc quyền – yếu tố bảo vệ họ trước sự cạnh tranh và thúc đẩy triển vọng của họ.
Tuy nhiên, khi phân tích sâu hơn, thì cổ phiếu công nghệ không phải là "vị cứu tinh" của thị trường. Dữ liệu của AQR cho thấy các cổ phiếu có giá đắt vẫn có diễn biến vượt trội, ngay cả khi loại trừ các công ty công nghệ hoặc 5% công vốn hóa lớn nhất thị trường. Dẫu vậy, cũng không thể hoàn toàn đổ lỗi cho sự không chính xác của giá trị sổ sách, bởi nhà đầu tư cũng sẵn sàng mua cổ phiếu của các công ty có tỷ số P/E cao.
Có thể, nhà đầu tư đang đánh giá quá cao các công ty tăng trưởng không bền vững và quay lưng với cổ phiếu giá trị. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu giá trị cũng có diễn biến kém hơn so với các cổ phiếu tăng trưởng vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 – trong thời kỳ bong bóng dot-com bùng nổ. Các công ty giá trị chỉ đơn giản là không có sức hấp dẫn như những cái tên "mới nổi" như Yahoo và Cisco – được "nhắm mục tiêu" để thay đổi thế giới cho đến khi họ thực sự không thể. Đầu tháng này, cổ phiếu công nghệ đã biến động mạnh, cho thấy rằng nhà đầu tư đang lo ngại về mức định giá quá cao. Có thể, thành quả đền đáp cho những nhà đầu tư trung thành với chiến lược đầu tư giá trị vẫn chưa đến.
Tham khảo Economist