Một năm về trước, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã đặt hàng Bộ Ngân khố Hoa Kỳ sản xuất 5,2 tỷ USD tiền mặt mới. Đây là một hoạt động thường niên để thay thế những đồng tiền cũ, hỏng đang lưu thông trên thị trường. Không ai có thể dự đoán được con số này lại trở nên quá nhỏ bé.
Vào tháng 3, khi sự hoang mang bao trùm các thị trường tài chính, người ta chứng kiến những hàng dài người Mỹ đứng chờ để rút tiền mặt từ các tài khoản ngân hàng của họ. Một chi nhánh ngân hàng tại Manhattan cho biết họ đã hết sạch đồng 100 USD trong khoảng thời gian điên rồ này. Để đáp ứng nhu cầu đang tăng cao, FED đã đặt hàng phát hành thêm 1 tỷ USD tiền mặt. Máy in của Chính phủ Mỹ hiện đang sản xuất hơn 27 triệu tờ tiền giấy mỗi ngày.
Nhưng công cuộc tranh giành tiền mặt vẫn chưa kết thúc. Theo số liệu mới nhất của FED, lượng tiền mặt đang lưu thông trên thị trường đã tăng nhanh gấp đôi so với mức trung bình trong lịch sử. Kể từ tháng 2, tốc độ tăng trưởng này đã vượt mức 11%.
Việc tích trữ tiền mặt không phải chỉ nằm trong nước Mỹ. Ở Canada, lượng tiền mặt lưu thông đã tăng hơn 14% kể từ tháng 2. Tại Anh và khu vực đồng euro, tốc độ này lần lượt là 10% và 8% (xem biểu đồ). Theo hai nhà kinh tế Jonathan Ashworth và Charles Goodhart, người tiêu dùng cũng đang tích trữ tiền mặt tại các thị trường mới nổi. Brazil, Ấn Độ, Mexico, và Nga đều đang chứng kiến nhu cầu tiền giấy cao bất thường trong năm nay.
Lượng tiền mặt lưu thông của đồng USD, Euro và bảng Anh qua các năm
Thật dễ hình dung rằng đại dịch sẽ khiến nhu cầu sử dụng tiền giấy giảm xuống chứ không phải chiều ngược lại. Khi virus mới xuất hiện, nhiều người lo lắng rằng tiền giấy có thể mang virus và khiến dịch bệnh lây lan nghiêm trọng hơn. Các cửa hàng không khuyến khích khách hàng thanh toán bằng tiền mặt vì các lo ngại sức khỏe.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc thậm chí đã bắt đầu khử trùng và cách li các đồng tiền giấy trước khi cho chúng lưu thông trở lại (ở một vài khu vực tại đây, tiền mặt thu được từ các bệnh viện, chợ cóc và xe buýt còn bị mang đi tiêu hủy). Ngân hàng trung ương Hàn Quốc và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng đã áp dụng các biện pháp tương tự.
Nhưng những lo sợ đó không ngăn cản người dân rút hết tiền từ các tài khoản tiết kiệm của mình để cất giữ dưới gầm giường. Nhưng người tiêu dùng không phải là nhân tố duy nhất của tình trạng tích trữ tiền mặt. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Deutsche Bank, một phần ba của việc gia tăng tiền mặt lưu thông tại châu Âu đến từ các ngân hàng muốn dự trữ tiền mặt để xử lý các biến động lớn về nhu cầu.
Một vài bằng chứng cho thấy sự gia tăng tiền mặt lưu thông gần đây là do người dân bớt gửi tiền vào ngân hàng hơn là do họ tích cực rút tiền ra. Theo nhà báo tài chính John Paul Koning, các doanh nghiệp và người tiêu dùng châu Âu đang gửi tiền vào ngân hàng ít hơn bình thường, khiến lượng tiền euro giấy đang lưu thông tăng lên. Ông đưa ra một lý luận đáng chú ý về lý do của hiện tượng này: ông ngờ rằng khi các cửa hàng và nhà hàng buộc phải đóng cửa do các biện pháp giãn cách xã hội, những kẻ mờ ám không còn kênh nào để rửa tiền bất hợp pháp, nên chúng buộc phải giữ khư khư lấy số tiền đó.
Ông Koning cho rằng xu thế này có thể cũng đang diễn ra ở Mỹ, Canada và nhiều nơi khác. Đây cũng là một gợi ý để FED tính toán khi đặt đơn hàng in tiền mặt vào năm sau.