Elon Musk là cái tên không còn xa lạ với chúng ta. Mới đây, ông đã tiếp tục lập kỷ lục mới khi trở thành người đầu tiên trên thế giới sở hữu tài sản hơn 300 tỷ USD. Theo Bloomberg, ông chủ Tesla hiện sở hữu 302 tỷ USD. Tài sản của Musk tăng mạnh là nhờ cổ phiếu Tesla tăng 3,8% trong phiên giao dịch ngày 28/10. Từ đầu năm đến nay, ông đã kiếm được tới 132 tỷ USD.
Chính vì sự nổi tiếng đó, cái tên "Elon Musk" đã được hàng trăm doanh nghiệp quy mô nhỏ ở Trung Quốc "chọn mặt gửi vàng" để đăng ký nhãn hiệu, từ thời trang, quảng cáo, nhà hàng đến thiết kế.
Cụ thể, cuộc điều tra thông tin doanh nghiệp của ithome.com – một cổng thông tin công nghệ của Trung Quốc, cho thấy có 273 công ty đã đăng ký nhãn hiệu cho thương hiệu hoặc sản phẩm bằng cách sử dụng tên Elon Musk hoặc phiên bản tiếng Trung của nó. Những công ty này nằm rải rác khắp Trung Quốc chứ không tập trung vào một vùng nhất định, chứng tỏ sự nổi tiếng của Musk ngày càng lan rộng.
Các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành khác nhau ở Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng tên của Elon Musk làm nhãn hiệu khi ô tô điện do Tesla sản xuất trở nên phổ biến hơn. Năm 2018, Tesla mở nhà máy sản xuất xe điện đầu tiên tại Trung Quốc.
Theo báo cáo của ithome.com, doanh nghiệp đầu tiên sử dụng cái tên "Elon Musk" ở Trung Quốc là một công ty in ấn ở phía đông tỉnh Chiết Giang. Năm 2015, công ty này dùng tên của Musk cho một trong những sản phẩm của mình.
Còn ở miền nam Trung Quốc, một công ty dệt ở Quảng Châu cũng đăng ký nhãn hiệu mang tên Musk bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung. Một công ty khoa học và công nghệ khác có tên là "Ai Long Ma Si Ke" – bản dịch theo nghĩa đen của "Elon Musk".
Trên thực tế, Musk không phải người nổi tiếng duy nhất có tên bị dùng để đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc. Khi Barack Obama là Tổng thống Mỹ, các nhãn hiệu có tên "Ao Ba Ma" – bản dịch theo tiếng Trung, đã được đăng ký bởi hơn 20 công ty của Trung Quốc.
Năm ngoái, siêu sao NBA, Michael Jordan, đã giành chiến thắng trong cuộc chiến quyền sở hữu nhãn hiệu với một nhà sản xuất đồ thể thao lớn có trụ sở tại Phúc Kiến. Công ty này đã sử dụng "qiaodan" – phiên âm tiếng Trung của Jordan. Cuộc chiến pháp lý giữa hai bên kéo dài tới tận 9 năm.
Trên mạng xã hội Weibo, một người bình luận: "Tôi thấy thực sự ‘cạn lời’ với những công ty mượn hơi người nổi tiếng để đăng ký nhãn hiệu. Họ có thể bị kiện và thua kiện. Họ thực sự nghĩ là mình sẽ ăn nên làm ra nhờ vào cách này hay sao?".
Về phần mình, Elon Musk cũng không ít lần ca ngợi Trung Quốc – thị trường đặc biệt quan trọng của Tesla. "Sự thịnh vượng kinh tế mà Trung Quốc đạt được thực sự đáng kinh ngạc, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng. Mọi người nên tới thăm và tận mắt chứng kiến", Musk viết trên Twitter vào tháng 7.
Ông chủ Tesla cũng đăng thông điệp tương tự trên Weibo, mạng xã hội đình đám tại Trung Quốc. Bài đăng trên tài khoản có 1,8 triệu người theo dõi của Musk nhận được rất nhiều lượt thích và bình luận.
Sau đó, trong một lần xuất hiện tại một sự kiện về xe năng lượng mới, Musk nói rằng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có khả năng "cạnh tranh nhất trên thế giới" đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, nghiên cứu và phát triển tại Trung Quốc.
Nguồn: SCMP