Tối thứ 7 tuần trước (29/9), Elon Musk bị giới chức liên bang trừng phạt vì những phát ngôn xung quanh kế hoạch tư nhân hóa công ty xe điện Tesla. Musk đồng ý rời khỏi vị trí Chủ tịch Tesla và các phát ngôn của anh sẽ phải được kiểm soát chặt chẽ, đồng thời cả anh và Tesla đều phải nộp phạt 20 triệu USD để dàn xếp vụ kiện mà Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) cáo buộc Musk đã lừa dối nhà đầu tư.
Tuy nhiên, dường như vị tỷ phú nổi tiếng ngông cuồng này không muốn thay đổi phong cách của mình chỉ bởi vì một loạt sự kiện sóng gió vừa qua.
1h08 sáng ngày 30/9, vài giờ sau khi SEC đưa ra phán quyết về dòng tweet gây chấn động của Musk hôm 7/8, Musk gửi 1 email tới toàn thể nhân viên của Tesla, kêu gọi họ hãy làm việc chăm chỉ dù lúc đó là cuối tuần.
"Thêm 1 ngày làm việc cật lực và chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta!!", Musk viết. "Chúng ta đang ở rất gần với lợi nhuận và sắp chứng minh rằng những lời nói tiêu cực [về Tesla] là sai, nhưng để chắc chắn, chúng ta phải làm việc thực sự vất vả vào ngày mai. Nếu cố gắng hết sức vào ngày mai, chúng ta sẽ đạt được chiến thắng vang dội vượt trên mọi kỳ vọng. Tiến lên Tesla!!!"
Tuy nhiên, đối lập với sự phấn khích trong đêm của Musk, Tesla phải đối mặt với rất nhiều thử thách trong những tháng sắp tới.
Tương lai u tối đón chờ Tesla
Công ty vẫn đang gặp khó khăn với hoạt động sản xuất Model 3 – mẫu xe có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe tài chính của hãng trong tương lai. Tesla đang thiếu tiền mặt và có những khoản nợ trái phiếu đến kỳ thanh toán. Tesla vẫn là miếng mồi ngon trong mắt các nhà đầu tư bán khống, những người đặt cược rằng cổ phiếu Tesla sẽ lao dốc.
Kể từ cuối tháng 6, Musk liên tục thông báo rằng Tesla sẽ báo lãi và có dòng tiền dương vào quý III và quý IV năm nay. Tuy nhiên, cũng từ tháng 6 đến nay công ty đã sa thải 9% lực lượng lao động để giảm chi phí và mới đây ngừng sản xuất Model 3 đối với một vài màu. Kể từ đầu quý III, Tesla nợ các nhà cung ứng 3 tỷ USD.
Không giống như các nhà sản xuất ô tô khác, Tesla không tạo ra doanh thu đơn giản từ việc sản xuất xe. Trong khi Ford và GM có thể ghi nhận doanh thu ngay khi xe của họ được chuyển tới các đại lý, Tesla chỉ có thể làm vậy sau khi xe đã tới tận tay người tiêu dùng. Kể cả khi Tesla có thể tăng sản lượng, tăng trưởng doanh thu vẫn sẽ chậm chạp nếu gặp rắc rối trong khâu giao xe. Ngày 16/9, tức chỉ 9 ngày sau khi tuyên bố Tesla đang có 1 quý tuyệt vời, Musk thừa nhận trên Twitter rằng công ty đang ở trong "địa ngục logistics".
Trong quý II, Tesla lỗ 742,7 triệu USD và đốt hơn 430 triệu USD tiền mặt, khiến nguồn cung tiền mặt giảm xuống còn 2,2 tỷ USD. Tháng 11 tới Tesla sẽ phải thanh toán số trái phiếu trị giá 230 triệu USD, sau đó là đợt trái phiếu khác có giá trị 920 triệu USD đáo hạn vào tháng 3. Hãng có thể thanh toán bằng cổ phiếu, nhưng chỉ khi giá cổ phiếu Tesla ở trên mức 360 USD. Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, cổ phiếu này giảm tới 14%, đóng cửa đạt 265 USD.
Và không chỉ nhằm vào phát ngôn của Musk, SEC đang điều tra các tuyên bố về mục tiêu sản lương mà Tesla từng đưa ra. Bộ Tư pháp Mỹ cũng điều tra các dòng tweet của Musk.
Về phần mình, Musk – người cũng đang điều hành SpaceX và Boring Company – vẫn luôn là một ẩn số với thói quen hành động giật cục theo cảm tính từng gây nhiều rắc rối cho các công ty của mình.
Theo Peter Henning, giáo sư luật tại ĐH bang Wayne, có lẽ SEC muốn Tesla có một người lãnh đạo "trưởng thành hơn". Nhưng liệu Musk có nghe theo?
Trong suốt 10 năm qua, kể từ khi Musk trở thành CEO của Tesla, trong mắt mọi người dường như Musk và Tesla là một. Musk chính là "linh hồn" của Tesla, là người đặt ra các mục tiêu và phương hướng chiến lược, đưa ra gần như mọi quyết định quan trọng, thậm chí sát sao đến từng chi tiết cả trong khâu thiết kế và sản xuất sản phẩm.
Phong cách làm việc khắc nghiệt và có phần kỳ dị của Musk đã dẫn đến làn sóng một loạt các lãnh đạo cấp cao của Tesla phải ra đi trong những năm gần đây. Và xét theo tiêu chuẩn của hầu hết các công ty lớn, hội đồng quản trị của Tesla – trong đó có người anh trai Kimbal của Musk – không hề độc lập.
SEC đang muốn thay đổi điều đó.
Theo thỏa thuận dàn xếp, Tesla sẽ phải bổ sung thêm 2 giám đốc độc lập vào ban điều hành, Musk không được giữ ghế Chủ tịch trong 3 năm tới. Đồng thời sẽ có 1 hội đồng do SEC chỉ định được lập ra để giám sát chặt chẽ mọi phát ngôn của Musk trước nhà đầu tư và công chúng (trong đó có cả phát ngôn trên Twitter và các mạng xã hội khác).
Một số người chỉ trích rằng phán quyết của SEC vẫn là quá nhẹ tay với Elon Musk khi Musk vẫn giữ được chiếc ghế CEO. Tuy nhiên, theo Rebecca Roiphe, giáo sư tại trường luật New York, sẽ là sai lầm nếu loại bỏ Musk khỏi vị trí lãnh đạo Tesla. Nếu Musk không còn làm CEO, nhà đầu tư có thể bị thiệt hại vì Musk là nhà sáng lập, cổ đông lớn và là bộ óc phía sau sự thành công của Tesla.
"SEC là cơ quan giám sát có mục đích bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư. Dù có chung một vài mục tiêu với cơ quan khởi tố liên bang, sứ mệnh của SEC hoàn toàn khác biệt", ông nói.