Thông báo này ban đầu được chia sẻ trên Twitter và đã khiến các nhà đầu tư thực sự choáng váng, sau đó cổ phiếu của Tesla tăng vọt tới 13%. Hôm qua cũng xuất hiện thông tin quỹ đầu tư quốc gia của Ả Rập đã chi 2 tỷ USD mua khoảng gần 5% cổ phần của Tesla.
"Đang xem xét tư nhân hóa Tesla với giá 420 USD/cổ phần. Đã tìm được nguồn vốn", Tesla viết trên Twitter. Tuy nhiên, vẫn nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ. Cụ thể là, làm thế nào Musk (hiện đang nắm giữ gần 20% cổ phần của công ty) có thể kiếm được 66 tỷ USD để hoàn thành giao dịch này. Với 420 USD/cổ phiếu, Tesla sẽ trở thành một doanh nghiệp được định giá khoảng 82 tỷ USD, bao gồm cả nợ. Để chuyển thành công ty tư nhân, Elon Musk sẽ phải thành công một cách không tưởng khi thực hiện thương vụ LBO (leveraged buyout – mua lại tài sản bằng vốn vay) lớn nhất từ trước đến nay.
Tạo môi trường hoạt động hiệu quả nhất
Trong một email gửi tới các nhân viên, Musk viết: "Lý do tại sao tôi làm tất cả những việc này là tạo môi trường để Tesla có thể hoạt động hiệu quả nhất." Ông cho rằng những biến động đối với giá cổ phiếu khiến các nhân viên mất tập trung và việc "là công ty niêm yết" lại "đặt áp lực rất lớn lên Tesla khi đưa ra những quyết định có thể là hợp lý cho một quý nhất định, nhưng lại không cần thiết cho quá trình lâu dài."
Cổ phiếu của Tesla đã chững lại trong vòng một tiếng rưỡi và sau đó đã tăng đến 11%, lên mức 380,60 USD vào lúc 15 giờ 49 (theo giờ New York). Đà tăng còn cách xa con số 420 USD/cổ phiếu là dấu hiệu cho thấy thị trường hoài nghi kế hoạch của Musk sẽ khả thi. Ông cho hay, các cổ đông sẽ có quyền đưa ra quyết định cuối cùng nếu ông vẫn kiên định với kế hoạch tư nhân hóa. Và Elon vẫn sẽ tiếp tục với công việc của mình.
Theo nhiều hãng tin, Quỹ Đầu tư công Ả Rập Xê Út (PIF) mới đây đã mua lại cổ phần của Tesla. Thông tin được Financial Times công bố vào hôm thứ Ba nhưng đại diện của PIF và Tesla đều không đưa ra bình luận về thương vụ này.
"Quá nhiều rắc rối"
Việc Musk tức giận vì sự giám sát từ các nhà đầu tư và phương tiện truyền thông là cả một câu chuyện dài.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2015, ông đã nói về những lợi ích của việc điều hành công ty chế tạo tên lửa Space Exploration Technologies Corp. và sự thất vọng của ông khi đưa Tesla thành công ty đại chúng vào năm 2010.
"Có quá nhiều rắc rối xung quanh một công ty đại chúng và mọi người thường nói về giá cổ phiếu và giá trị của công ty. Trở thành công ty niêm yết chắc chắn sẽ làm tăng chi phí quản lý cho tất cả các doanh nghiệp."
Những ý kiến trái chiều
Gene Munster, chuyên gia tại công ty vốn mạo hiểm Loup Ventures, cho biết việc Tesla trở thành công ty tư nhân "sẽ rất hợp lý".
Ông nói thêm: "Elon Musk không muốn điều hành những công ty đại chúng. Nhiệm vụ của ông ấy rất lớn và sẽ rất khó để đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư. Dự đoán của tôi về việc này là có 1/3 khả năng ông ấy sẽ thực sự thành công trong lần này."
Tesla đã không đáp ứng được mục tiêu sản xuất, vì thế số tiền lỗ đã lên tới hàng tỷ USD. Công ty này đã tốn khá nhiều tiền để giải quyết các vấn đề trong quá trình sản xuất đối với Model 3 sedan và kể từ khi bắt đầu phát hành cổ phiếu.
Trong khi đó Joel Levington, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, cho rằng Musk khó có thể thực hiện kế hoạch của mình. "Việc gọi hơn 50 tỷ USD vốn cho một doanh nghiệp đang kinh doanh thua lỗ là điều không hề dễ dàng, nếu không muốn nói đó là điều phi thường."