Đề nghị “mua đứt” Twitter với giá 43 tỷ USD mới đây của Elon Musk làm không ít người trong giới đầu tư toàn cầu bất ngờ. Điều này cũng khiến Conrad Quilty-Harper, biên tập viên tại tạp chí hàng tuần London New Scientist nhớ lại thời điểm vị tỷ phú giàu nhất hành tinh này cân nhắc mua lại tòa soạn ngay trên Twitter hồi năm 2019.
Harper cho biết việc tương tác thường xuyên với Elon Musk trên Twitter dường như không phải điều gì đó quá mới mẻ, bởi một số biên tập viên vẫn thường nhắn tin trực tiếp cho Musk vài tháng một lần để yêu cầu phỏng vấn hoặc quảng cáo sách. Musk đã trả lời rằng “New Scientist là tạp chí yêu thích nhất của tôi”, sau đó trực tiếp đề nghị tiếp quản trang báo.
Hoàn cảnh vị tỷ phú này ngỏ ý mua lại New Scientist cũng rất đặc biệt: khi ông trả lời một bài đăng của New Scientist than phiền về bộ lọc người dùng trả phí.
"Hãy sửa bộ lọc trả phí của các bạn. Nội dung tạp chí rất tuyệt, nhưng bộ lọc thì không", Musk viết.
Một người dùng theo đó đã phản hồi lại lời bình luận của Musk. Họ khuyên ông nên đầu tư vào tờ New Scientist để mọi bài viết được miễn phí. Musk trả lời bằng biểu tượng icon đang suy nghĩ, sau đó hỏi trực diện: "Giá bao nhiêu vậy nhỉ?".
Đáng tiếc, thỏa thuận giữa Musk và tạp chí New Scientist đã không xảy ra. Tờ báo này sau đó được bán cho Tập đoàn Daily Mail với giá khoảng 70 triệu bảng Anh (tương đương 92 triệu USD).
Elon Musk hỏi giá mua lại New Scientist
Lần bắt tay bất thành sau đó được biên tập viên Conrad Quilty-Harper đúc kết lại và chia sẻ với tờ Bloomberg.
Lời khuyên đầu tiên chính là hãy kiểm tra danh sách người theo dõi. Nếu Musk quan tâm, chắc chắn ông ấy sẽ theo dõi tài khoản Twitter của công ty đó. Đây có thể chính là chỉ dấu cho thấy vị CEO này sắp sửa thâu tóm công ty của bạn.
Tiếp theo, đừng hoảng khi Musk hỏi mua công ty dù biết Musk vốn là người ưa thích cảnh tượng đám đông hỗn độn. Thay vào đó, Harper cho rằng các công ty nên tin vào lãnh đạo quản lý truyền thông bởi đây là người đóng vai trò quan trọng nhất vào thời điểm đó.
Mặt khác, nghe có vẻ không hợp lý nhưng Conrad Quilty-Harper cho rằng các công ty nên sử dụng một vài biểu tượng trong số 280 emoji để trả lời Musk - người vốn được gọi là “thánh meme” trên các diễn đàn mạng. Việc trả lời bằng các emoji vui vẻ, nửa đùa nửa thật theo đó được cho là cách tốt nhất để đánh lạc hướng lời đề nghị nghe có vẻ nghiêm túc của Musk. Ngoài ra, hãy cố trả lời ngắn gọn nhất có thể để màn thương lượng giá này kết thúc trong êm đẹp.
Cuối cùng, đừng tin 100% vào những chiếc tweet của Musk vì rất có thể đây chỉ là những câu hỏi bông đùa. Bằng chứng là việc Musk hỏi mua New Scientist song sau đó lại không hề có bất kỳ động thái nào khác.
Elon Musk đề nghị mua lại Twitter
Mới đây nhất, Elon Musk cũng thừa nhận tại hội nghị TED2022 diễn ra tại Vancouver rằng ông "chưa chắc" sẽ mua toàn bộ Twitter. Tuyên bố chỉ được đưa ra vài giờ sau khi tờ Bloomberg tiết lộ Musk đã đưa ra đề nghị mua mạng xã hội này với giá 54,2 USD/1 cổ phiếu, tức khoảng 43 tỷ USD để sở hữu toàn bộ cổ phần.
Khi được MC của TED hỏi liệu có "kế hoạch B" nào không nếu lời đề nghị mua lại Twitter bị từ chối, Musk trả lời “có” song cũng không nói thêm chi tiết.
Theo: Bloomberg