Theo phía Trung Quốc, vệ tinh số 1095 của Starlink duy trì hoạt động ở độ cao 555km hồi đầu năm trước khi hạ xuống 382 km và suýt đâm vào trạm vũ trụ Trung Quốc hôm 1/7. Trong một vụ việc khác, vệ tinh của Starlink lướt qua trạm vũ trụ Trung Quốc ở khoảng cách gần vào ngày 21/10.
Theo Bloomberg, trong năm 2021, các vụ tai nạn trong không gian đã suýt xảy ra khi vệ tinh của SpaceX và trạm vũ trụ của Trung Quốc lướt qua nhau ở quảng cách 4km trong khu vực quỹ đạo thấp của trái đất. Trong cả 2 trường hợp, Trung Quốc đã điều khiển trạm vũ trụ né các vệ tinh Starlink của Elon Musk.
Theo dữ liệu từ nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell, sự việc hồi tháng 10 nguy hiểm đến mức 2 vật thể nhân tạo nào chỉ cách nhau vài trăm mét nếu trạm vũ trụ Trung Quốc không tiến hành né tránh. Những sự việc này đã khiến phía Elon Musk bị phía Trung Quốc chỉ trích.
Chính phủ Trung Quốc chỉ trích SpaceX trong báo cáo gửi lên một ủy ban của Liên Hợp Quốc chuyên trách nhiệm vụ giám sát không gian. Khiếu nại của Trung Quốc có thể dẫn tới những động thái toàn cầu về việc quản lý những sự cố có thể xảy ra trong quỹ đạo trái đất.
Bằng việc khiếu nại lên Liên Hợp Quốc, Trung Quốc có thể thúc đẩy cộng đồng quốc tế cập nhật một hiệp ước có từ thời Chiến tranh lạnh cũng như kích hoạt một hệ thống không chính thức nhằm cảnh báo va chạm giữa các nước. Hiện tại, có khoảng 4.800 vệ tinh thương mại đang hoạt động, nhiều gấp đôi so với 5 năm trước đó cộng lại. Ngoài ra, có 19.000 vật thể nhân tạo đủ lớn trên quỹ đạo có thể được để quan sát từ trái đất bằng radar.
Trên thực tế, hầu hết các vệ tinh đều hoạt động ở độ cao lớn hơn so với nơi mà Trạm vũ trụ Quốc tế và trạm vũ trụ của Trung Quốc đang vận hành. Tuy nhiên, điều đó đang thay đổi khi SpaceX triển khai các vệ tinh Starlink nhằm phủ sóng Internet toàn cầu. Kích thước nhỏ và hoạt động ở tầm thấp của quỹ đạo trái đất, nó có gây ra nguy cơ va chạm với các trạm vũ trụ.
Hiện nay, SpaceX đã phóng hơn 1.700 vệ tinh loại này. Tuy nhiên, không giống vệ tinh địa tĩnh, Starlink có thể được điều khiển và trang bị công nghệ chống va chạm.
Phía Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về động thái của Trung Quốc.
"Chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia có hoạt động trên không gian trở thành những bên có trách nhiệm để tránh những động thái có thể gây nguy hiểm cho các phi hành gia và những người khác có thể đang sống và làm việc trong quỹ đạo trái đất", Ned Price, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết.
Sự cạnh tranh trong không gian giữa Mỹ và Trung Quốc đang nóng lên những năm gần đây. Một nhà khoa học hàng đầu của Trung Quốc nói rằng quốc gia này có thể đưa người lên mặt trăng lần đầu tiên vào năm 2030.
Trở lại với câu chuyện của Elon Musk, việc vệ tinh Starlink suýt đâm vào trạm vũ trụ của Trung Quốc có thể gây những ảnh hưởng không nhỏ tới vị tỷ phú giàu nhất thế giới. Là CEO của Tesla, Elon Musk đang nỗ lực mở rộng hoạt động tại Trung Quốc, thị trường xe điện tiềm năng bậc nhất thế giới. Elon Musk đã xây một nhà máy khổng lồ ở Thượng Hải và đang bán nhiều xe ô tô điện tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.