Những ngày gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) diễn biến "mưa nắng" thất thường, nhiều đơn vị "thú dữ" theo đó cũng khó lòng cầm cự.
Đơn cử có mã VPB của VPBank, giá hiện đang giảm sâu, ghi nhận kém 40% so với đỉnh giá thiết lập hồi đầu tháng 4 và chỉ cao hơn chút ít so với giá ngày đầu niêm yết. Và trước bối cảnh này, hôm 29/5 bà Hoàng Anh Minh, vợ Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng đã công bố đăng ký mua thêm 5 triệu cổ phiếu của VPBank. Giao dịch được thực hiện bằng phương thức khớp lệnh trên sàn và dự kiến giao dịch từ ngày 1-30/6/2018.
Hiện, bà Hoàng Anh Minh đang sở hữu hơn 67,9 triệu cổ phiếu tương đương 4,324% vốn điều lệ của ngân hàng. Nếu giao dịch thành công, bà Minh sẽ nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên hơn 72,9 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 4,642% vốn điều lệ VPBank. Còn về ông Ngô Chí Dũng hiện đang nắm hơn 70 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 4,4732% vốn điều lệ VPBank. Ngoài ra, mẹ ruột ông Dũng là bà Vũ Thị Quyên cũng đang sở hữu hơn 66,5 triệu cổ phiếu VPB. Ước tính giá trị tài sản của gia đình ông Ngô Chí Dũng lên đến hơn 8.100 tỷ đồng.
Biến động cổ phiếu VPB 3 tháng gần đây
Trước thông tin mua vào lượng lớn trên, giá cổ phiếu VPBank đã có phiên bật tăng khá mạnh (7%) so với giá chốt hôm trước đó, hiện mã nhà băng này đang giao dịch tại mức 43.800 đồng/cp, ghi nhận tăng gần 6% riêng trong phiên hôm nay 30/5.
Điểm qua đôi nét về VPBank, trong quý 1/2018, Ngân hàng không đạt mức tăng trưởng rất cao như các năm trước, nhưng nhìn chung vẫn cao hơn toàn ngành. Trong đó, tín dụng tăng trưởng 3,5% (trong đó Fe Credit tăng hơn 4% còn ngân hàng riêng lẻ tăng hơn 3%), huy động vốn và giấy tờ có giá khoảng 5%. Còn cập nhật đến hết tháng 4 thì tăng trưởng tín dụng đã đạt 7,5%, huy động vốn và giấy tờ có giá đạt 6,5%. Theo bà Lưu Thị Thảo, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tài chính của VPBank, quý 1/2018 là quý đầu tiên trong lộ trình chuyển đổi giai đoạn 5 năm tiếp theo của ngân hàng, cũng là thời gian rất quan trọng để ngân hàng xác định tầm nhìn và chiến lược cho cả giai đoạn 2018-2022.
Một đơn vị khá nổi khác, Thế giới Di động của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đang đứng trước sự lung lanh niềm tin vào "ván cược" Bách Hóa Xanh. Cũng chính những tuyên bố "sai lầm" trong chiến lược với Bách Hóa Xanh, cổ phiếu MWG trên thị trường thời gian qua liên tục giảm sâu. Thậm chí, TTCK liên tục sụt giảm đã đánh đòn kép lên MWG, khiến ông Tài phải "ra tay" đăng ký mua 100.000 cổ phiếu MWG. Như vậy, ông Tài dự kiến sẽ nâng lượng cổ phiếu MWG đang sở hữu từ 8.199.844 đơn vị lên 8.299.844 đơn vị tương đương tỷ lệ 2,57%.
Ông chủ điện máy cho biết, mục đích của giao dịch là để tăng tỷ lệ sở hữu MWG. Giao dịch dự kiến thực hiện bằng phương thức thoả thuận và/hoặc khớp lệnh trên sàn từ ngày 1-30/6/2018. Nếu tính theo mức giá hiện hành, ông Tài phải chi ra khoảng hơn 10 tỷ đồng để mua lượng cổ phiếu nói trên.
Điều đáng nói là, đây là lần đầu tiên ông Tài đăng ký mua cổ phiếu của công ty mình kể từ khi Thế giới di động niêm yết hồi tháng 7/2014. Việc giá cổ phiếu liên tục giảm sâu thời gian qua có thể là một động lực lớn khiến "ông chủ" chuỗi phân phối các sản phẩm công nghệ vốn khá thờ ơ với việc mua, bán cổ phiếu công ty mình quyết định chi tiền?
Biến động cổ phiếu MWG 3 tháng gần đây
Mới đây nhất, ngay cả doanh nghiệp "bay nhanh" như VJC của Vietjet cũng chứng kiến nhiều phiên liền đỏ điểm của cổ phiếu, theo đó Giám đốc điều hành vừa phát đi thông báo đăng ký mua 500,000 đơn vị VJC. Được biết, nếu tính theo giá phiên chiều qua thì thương vụ này có trị giá hơn 75 tỷ đồng, giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận từ đầu tuần sau, nhằm ngày 4/6/2018. Ông Khánh hiện sở hữu 378.7000 cổ phiếu VJC.
Vietjet cũng vừa thông qua ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% là ngày 2/7/2018, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 29/6/2018. Trên thị trường, cổ phiếu VJC đang giao dịch tại 147.000 đồng/cp, giảm hơn 3% so với giá chốt phiên 29/5.
Biến động cổ phiếu VJC 3 tháng gần đây
Về Vietjet, 3 tháng đầu năm doanh thu Công ty đạt 12.560 tỷ đồng, tăng 146% so với cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng cả ở mảng vận chuyển hành khách, doanh thu hoạt động phụ trợ, cũng như doanh thu từ chuyển giao sở hữu và thuê tàu bay. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ theo đó đạt 1.366 tỷ đồng, tăng 263%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu trong quý là 3.026 đồng, là một trong các doanh nghiệp có mức EPS cao nhất trên thị trường chứng khoán.
Hay tại một công ty "đình đám", hàng loạt lãnh đạo Chứng khoán VNDirect (VND) tuần qua đã đăng ký mua vào cổ phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, Giám đốc điều hành Trần Vũ Thạch đăng ký mua 100,000 cp, ứng với tỷ lệ 0.0454% vốn điều lệ; bà Vũ Nam Hương, Giám đốc tài chính đăng ký mua 150,000 cp và Trưởng Ban kiểm toán nội bộ Điêu Ngọc Tuấn đăng ký mua vào 50,000 cp.
Đáng chú ý, Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Hương đăng ký mua 5 triệu cp nhằm nâng mức sở hữu lên 2.72%. Động thái này được thực hiện sau vụ lùm xùm về thông tin VND có liên quan tới Home Direct, công ty trung gian thanh toán trong vụ án đánh bạc ngàn tỷ mới được triệt phá gần đây. Vụ việc được cho là nguyên nhân chính khiến cổ phiếu VND giảm sàn 2 phiên liên tiếp hôm 09/05 và 10/05, làm bốc hơi hơn 16% thị giá cổ phiếu VND. Mặc dù phía VND đã chính thức lên tiếng trấn an nhà đầu tư, giá cổ phiếu VND vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục lại, hiện cổ phiếu lui về mức 19.050 đồng/cp (30/5/2018).
Biến động cổ phiếu VND 3 tháng gần đây
Tựu trung lại, giao dịch cổ phiếu của người nội bộ luôn gây chú ý đối với thị trường mặc dù không có lý do gì cụ thể kèm theo, có thể đơn thuần là mục đích đầu tư cá nhân. Song, trong bối cảnh "em chứng lại mưa" như thế này, giao dịch lãnh đạo có lẽ được ví von như "phao cứu sinh" cho cổ phiếu, đơn cử cổ phiếu VPB bật tăng trở lại ngay sau giao dịch của vợ Chủ tịch!