Những hành vi có thể chính thức bị cấm
Trong bối cảnh hàng loạt vụ việc gây nhức nhối dư luận xã hội liên quan tới rượu, bia, đặc biệt là lái xe gây tai nạn giao thông nghiêm trọng trong tình trạng say xỉn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội xem xét thông qua Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Trong Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý, bổ sung nhiều điểm, trong đó có một số điểm tại Điều 5 của Dự thảo luật. Đây là điều khoản quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong các hoạt động sử dụng rượu, bia.
Khoản 7, điều 5, Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nêu rõ: Các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm cho người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia. Với quy định này, hành vi ép rượu, bia người khác, điều đang xảy ra nhiều trong thực tế, sẽ chính thức là hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, việc cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia với sức khỏe cũng sẽ bị cấm.
Dự thảo luật cũng đề cập tới việc cấm bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi khi biết rõ người mua chưa đủ 18 tuổi, người đã có dấu hiệu say rượu, bia. Đối với người chưa đủ 18 tuổi, việc uống rượu bia sẽ hoàn toàn bị cấm. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… cũng bị cấm uống rượu, bia ngay trước và trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa ca làm việc, thời gian học tập, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên, đề nghị cấm bán rượu từ 15 độ trở lên sau 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau, cấm bán rượu, bia trong một số ngày lễ được nhận thấy khó khả thi và không được đưa vào. Đề nghị cấm bán rượu bia trên Internet cũng không được nêu ra. Thay vào đó, việc bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử sẽ được phép nhưng phải tuân theo các quy định. Trước đây, bán rượu, bia có độ cồn trên 15 độ bị cấm trên Internet.
Đại biểu Quốc hội lên tiếng
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền của Phú Yên nhắc lại những vụ việc thương tâm do tác hại của rượu bia đồng thời nhấn mạnh những tác hại này chỉ có thể giảm cùng với việc giảm lượng rượu, bia được tiêu thụ. "Dùng rượu bia mà không cân nhắc, ai cũng có thể trở thành nạn nhân hay thậm chí là tội phạm", bà Hiền nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Đại biểu Hiền đặt câu hỏi liệu các biện pháp ngăn ngừa trong Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã đủ tạo nên rào cản. Bà Hiền cho rằng cần hạn chế tới mức thấp nhất việc học sinh, trẻ vị thành niên tiếp xúc với quảng cáo rượu bia đồng thời phải hạn chế những quảng cáo với nội dung khiến người tiếp nhận nghĩ rằng rượu bia là tốt.
Kết quả một cuộc khảo sát được đại biểu Hiền nêu ra cho thấy 87,6% số trẻ em được hỏi cho biết đã sử dụng đồ uống có cồn mà không biết đó là đồ uống có cồn. Khi sử dụng, trẻ em có cảm giác là chóng mặt, tim đập nhanh. Điều nguy hiểm là 80% số đó cho biết sẽ tiếp tục sử dụng những sản phẩm này vì chúng được quảng cáo là nước hoa quả lên men, nước trái cây có ga.
Qua ví dụ của mình, bà Hiền cho rằng việc thuật ngữ "đồ uống có cồn" chưa được đưa vào dự thảo luật với lý do không phổ dụng là không có tính dự báo, đi ngược lại với xu thế chung. Số lượng bia với nồng độ cồn từ 4,2 đến 5% đang áp đảo thị trường nhưng dự án luật cho phép quảng cáo rượu, bia dưới 5,5 độ theo các quy định của luật quảng cáo và một số điều của dự luật này làm nhiều đại biểu tỏ ra quan ngại.
Trong quy định quảng cáo rượu, bia với nồng độ cồn dưới 5,5 độ, Đại biểu Phạm Trọng Nhân của Bình Dương cho rằng quy định hạn chế quảng cáo trên truyền hình từ 19h đến 20h là không phù hợp cho trẻ em. Đây được xem là giờ vàng, nhưng chỉ là giờ vàng với người lớn. Thông thường, học sinh và trẻ em thường không xem truyền hình trong thời gian này.