Tờ WSJ đưa tin, Amazon vừa bị đâm đơn kiện lên Tòa án quận Columbia với cáo buộc rằng công ty này đã cấm các nhà buôn trên nền tảng của họ cung cấp mức giá bán tốt hơn ở bất kỳ nơi nào khác. Điều này vô tình dẫn đến việc người tiêu dùng sẽ phải mua sản phẩm với giá cao hơn.
Đơn kiện nhắm tới những hợp đồng giữa Amazon và người bán có ghi điều khoản rằng người bán không được cung cấp mức giá tốt hơn cho sản phẩm của họ ở bất kỳ website nào khác, gồm cả chính bản thân phía người bán.
"Amazon làm được như vậy là bởi họ kiểm soát giá trên khắp thị trường bán lẻ trực tuyến, họ có lợi thế hơn bất kỳ ai. Điều khoản này cho phép Amazon xây dựng và duy trì lợi thế độc quyền", một chuyên gia nhận định.
Phía Amazon hiện phản đối đơn kiện kể trên và nói rằng người bán tự thiết lập mức giá bán của họ.
Dù có thể trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới phần nhiều là nhờ hàng triệu người bán bên thứ ba nhưng mối quan hệ giữa Amazon và người bán hàng luôn khá căng thẳng, phần lớn là do lợi thế quyền lực quá lớn của Amazon.
Từ nhiều năm nay, trên các diễn đàn đã xuất hiện nhiều câu chuyện như trên. Amazon có thể đình chỉ người bán bất cứ lúc nào, vì bất cứ lý do gì, "đóng băng" tiền của họ trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, khiến cuộc sống của họ rơi vào bế tắc vì mất kế sinh nhai.
Người bán phải trải qua quá trình khiếu nại mệt mỏi nơi Amazon là trọng tài phán xử. Những cuộc gọi, email mà họ gửi đi thường rơi vào tình trạng không có hồi đáp, hoặc Amazon phản hồi theo cách khó hiểu, khiến họ cảm thấy giống như đang đối thoại với các thuật toán hơn là con người.
Khi người bán lập cửa hàng trên Amazon, họ đã tự từ bỏ quyền kiện tụng của mình khi chấp nhận điều khoản ràng buộc tuân thủ trọng tài, một điều khoản hợp đồng yêu cầu các bên giải quyết tranh chấp hợp đồng trước trọng tài thay vì thông qua hệ thống tòa án. Amazon không đàm phán các điều khoản với người bán bên thứ ba mà chỉ là người bán chấp nhận hoặc sẽ không thể bán hàng trên Amazon – điều cho thấy rõ ràng là Amazon ở trên cơ trong mối quan hệ này.
Cách Amazon đối xử với các người bán bên thứ ba cũng là trọng tâm của 1 báo cáo mới được Ủy ban Tư pháp Hạ viện công bố. Báo cáo này kết luận rằng các ông lớn công nghệ thường lạm dụng quyền lực của họ trước các đối tác nhỏ hơn. Ủy ban khuyến nghị rằng điều khoản ràng buộc tuân thủ trọng tài phải được xóa bỏ.
"Bởi vì những tác động quá nghiêm trọng về mặt tài chính, nhiều người bán bên thứ ba rất sợ Amazon. Hệ thống giải quyết tranh chấp nội bộ của Amazon quá chậm chạp và mơ hồ".
Nguồn: WSJ