Hôm 4-4, Bộ Giao thông Ethiopia cho biết các điều tra viên nước này đang chuẩn bị công bố bản báo cáo chính thức về tiến trình điều tra vụ tai nạn hàng không liên quan đến dòng máy bay nổi tiếng, Boeing 737 MAX trong hôm nay, dẫn nguồn từ tờ The Straits Times.
Các điều tra viên tại hiện trường vụ tai nạn máy bay ở Ethiopia. Ảnh: AP
"Cuộc họp báo dự kiến diễn ra vào lúc 10h30 (theo giờ Ethiopia) sẽ thông báo kết quả điều tra vụ tai nạn này", Người phát ngôn Bộ Giao thông Ethiopia, Musie Yehyies cho biết.
Theo một số thông tin từ người trong cuộc, báo cáo dự kiến sẽ tập trung làm sáng tỏ nghi vấn liên quan đến một phần mềm điều khiển bỗng dưng tái kích hoạt sau khi viên phi công đã tắt đi trong nỗ lực cứu lấy chiếc máy bay xấu số. Báo cáo cũng sẽ tập trung vào các vấn đề về vai trò của các phi công và công nghệ trong vụ việc.
Trước đó, hôm 3-4, Hãng Boeing thông báo đã thử nghiệm thành công bản cập nhật cho công nghệ MCAS, vốn chỉ được lắp đặt trên các dòng máy bay mới nhất của hãng. Theo đó, MCAS có vai trò ngăn ngừa động cơ tự tắt bằng cách điều khiển mũi máy bay chúc xuống.
Tuy nhiên, công nghệ này hiện tại đang bị rất nhiều chuyên gia nghi ngờ là một trong những nguyên nhân chính cho cả hai vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng thuộc hãng hàng không Ethiopian Airlines và hãng hàng không Lion Air (Indonesia) vào hồi tháng 10-2018.
Thông báo của hãng máy bay Mỹ cũng tiết lộ trong buổi bay thử trên đã có sự tham gia của CEO Boeing, Dennis Muilenburg. Trong lần thử này, các phi công đã vận hành máy bay cùng với công nghệ MCAS trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau, nhằm chuẩn bị cho mọi tình huống.
CEO của Boeing, Dennis Muilenburg . Ảnh: THE VERGE
Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ cũng cho biết đang tiến hành một đợt khảo sát mới đối với dòng máy bay Boeing 737 MAX.
Về cuộc điều tra của Ethiopia, các chuyên gia được cho là đã sử dụng dữ liệu cảm biến khi máy bay cất cánh thu được tại sân bay. Theo đó, thời điểm chiếc máy bay gặp nạn bắt đầu tăng tốc và lao xuống đất trùng khớp với thời điểm phần mềm của Boeing tái kích hoạt trở lại. Ngoài ra, các điều tra viên cũng nhận định rằng động cơ máy bay nhiều khả năng đã hoạt động vượt mức bình thường khi nhìn vào tốc độ và cao độ đạt được khi cất cánh.
Ngoài ra, dựa trên những bằng chứng ban đầu, vụ tai nạn ở Ethiopia và vụ rơi máy bay của phi hành đoàn Lion Air có điểm tương đồng. Cụ thể, bộ cảm biến của máy bay đã gặp sự cố ngay sau khi cất cánh. Điều này đã khiến MCAS bắt đầu chúc mũi máy bay xuống để đón gió hai bên cánh máy bay.
Tuy nhiên, khác với các đồng nghiệp ở Lion Air, vốn không hề được huấn luyện vận hành chung với công nghệ mới này, các phi công của Ethiopian Airlines đã được hướng dẫn đầy đủ. Bằng chứng cho thấy phi công đã tiến hành tắt hệ thống vận hành tự động của MCAS, nhưng sau đó nó đã tự động tái kích hoạt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về hàng không, hệ thống này về lý thuyết không thể tự kích hoạt được như vậy.
Ngoài ra, có một số quan điểm khác cho rằng phi công có thể đã chủ ý bật MCAS lên để có thể dễ dàng điều khiển máy bay hơn, nhưng công nghệ này khi bật lên đã tiến hành một loạt điều chỉnh nhanh đến nỗi các phi công không phản ứng kịp, dẫn đến tai nạn. Đây là ý kiến của nhà phân tích công nghệ máy bay, Bjorn Fehrm.
Về điểm này, những người trong cuộc cho biết họ sẽ điều tra kỹ lưỡng xem liệu phi công đã thực hiện đầy đủ các quy trình cần thiết hay không. Cụ thể, phi công được hướng dẫn phải nhanh chóng ổn định máy bay bằng hệ thống điều khiển tay trước khi tiến hành sử dụng công nghệ MCAS. Ngoài ra, theo khuyến nghị, một khi phi công đã quyết định vô hiệu hoá phần mềm này thì nên giữ như thế cho đến khi máy bay hạ cánh.
Mặc dù vậy, các dữ liệu chuyến bay cho thấy phi công của chiếc máy bay gặp nạn đã hai lần cố gắng điều chỉnh máy bay hướng lên cao trước khi tiến hành vô hiệu hoá MCAS. Tuy nhiên, một điều tra viên cho biết mũi máy bay lúc này đang chúc quá sâu. Các phi công đều được hướng dẫn chỉ nên tắt hệ thống điều khiển khi máy bay đạt được độ cao ổn định.
Đề cập đến báo cáo sắp tới của cuộc điều tra, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho biết tiến trình điều tra vẫn còn cần rất nhiều thời gian để cho ra một kết luận chính thức. Họ cũng nhấn mạnh, phần lớn nguyên nhân của các vụ tai nạn hàng không đều là sự kết hợp giữa yếu tố con người và kỹ thuật.
Boeing cũng đã cảnh báo tránh đưa ra những kết luận vội vàng khi kết quả điều tra chính thức còn chưa được công bố, “Chúng tôi kêu gọi sự cảnh giác về những suy đoán và kết luận về vụ việc trước khi những dữ liệu của chuyến bay và các báo cáo điều tra được tung ra”.