Làm việc với khách hàng theo giờ
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương cho biết, hiện các doanh nghiệp trong ngành gỗ gần như làm việc theo giờ với các đối tác vì “ngày mai có thể mọi thứ sẽ khác”.
“EU đóng cửa biên giới dù ít hay nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình thông thương hàng hóa, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước cũng sẽ ảnh hưởng đến sức mua. Hiện, đã có một số cảng của Mỹ không cho nhập container, chúng tôi rất lo lắng” - ông Liêm nói.
Ông Liêm cũng thừa nhận một thực tế, nhiều nhà máy chế biến gỗ ở Đồng Nai, Bình Dương đã thông báo về tình trạng hủy hoặc chậm thanh toán đơn hàng của đối tác, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của doanh nghiệp.
EU cấp hạn ngạch cho mặt hàng ngô của Việt Nam là 5.000 tấn/năm. (ảnh tư liệu)
Bộ NNPTNT cũng đánh giá, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lây lan sang 145 quốc gia và vùng lãnh thổ, đang ảnh hưởng nặng nề tại các nước EU như Italy, Đức, Pháp và Tây Ban Nha, Hà Lan và Bỉ sẽ trực tiếp tác động lớn tới các đầu mối nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam.
Điều này có thể thấy rất rõ khi 2 tháng đầu năm 2020, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU đều giảm cả về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Đơn cử như mặt hàng thủy sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU 2 tháng đầu năm 2020 giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 109,2 triệu USD.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam lo ngại, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 3 tháng tới có thể bị ảnh hưởng, nhất là tại 5 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam bị tác động mạnh bởi dịch, gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần kiến trúc và nội thất Nano, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cho biết, gần như tất cả nhà máy ở Đồng Nai đã được các nhà mua hàng lớn thông báo hủy bớt đơn đặt hàng, hoãn việc xuất hàng do họ phải đóng cửa hệ thống cửa hàng và trung tâm phân phối.
Ưu tiên thế mạnh
Theo Bộ NNPTNT, trong gian khó chúng ta vẫn có thể nhìn thấy cơ hội khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được thông qua, các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam phần lớn được hưởng thuế suất 0%. EU cũng đã cấp hạn ngạch cho một số mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh như gạo (80.000 tấn), sắn (25.000 tấn), rau (5.000 tấn).
EU cũng mở cửa cho tất cả các mặt hàng rau quả nhiệt đới của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này, không yêu cầu phải đánh giá rủi ro mở cửa thị trường, chỉ đáp ứng các yêu cầu về chứng nhận và quy định về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của EU.
Hai tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU là 612 triệu USD: - Cà phê đạt 227 triệu USD (tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2019) - Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 98,1 triệu USD (tăng 1,1%) - Rau quả đạt 22,4 triệu USD (tăng 8,8%) - Gạo đạt 1,5 triệu USD (tăng 79,1%). |
Cũng theo Bộ NNPTNT, nhóm các mặt hàng nông sản có khả năng tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường EU bao gồm: Thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng rau quả, cà phê, tiêu, điều...
Bộ NNPTNT ước tính, xuất khẩu thủy sản sang EU có thể đạt trên 1 tỷ Euro vì EU luôn nằm trong nhóm top đầu về xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, sau Mỹ và Trung Quốc.
Gỗ, đồ gỗ nội thất có thể đạt 1,43 tỷ Euro, tăng 15% so với năm 2019 bởi EU là thị trường quan trọng của ngành gỗ và sản phẩm gỗ. Ngành chế biến gỗ sẽ được hưởng thuế suất 0% cho ít nhất 90 sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam, đồng thời sẽ được giảm giá máy móc, thiết bị ngành gỗ nhập khẩu từ EU.
Bên cạnh đó, nguồn cung nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc sụt giảm là cơ hội để ngành gỗ Việt Nam tiếp cận và chuyển hướng nhập khẩu nguyên phụ liệu chất lượng cao từ EU đáp ứng xuất khẩu sang EU và thị trường khác.
Từ những diễn biến khó lường của thị trường EU trong bối cảnh dịch Covid-19 còn lan rộng, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận mà thị trường EU đang áp dụng rộng rãi và các tiêu chuẩn mới như môi trường, xã hội (Global GAP, MSC, ASC, Rainforest Aliance, UTZ, 4C, Fairtrade...).
Tăng cường hợp tác với EU để hài hòa hóa tiêu chuẩn Việt Nam đang áp dụng với tiêu chuẩn của EU; tiếp tục làm việc với EU để tháo gỡ việc “rút thẻ vàng” đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU.