Mặt hàng tỷ đô này chính là sầu riêng . Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt kỷ lục chưa từng có tới 5,6 tỷ USD, tăng tới 66,67% so với năm 2022.
Trong đó, tăng trưởng ấn tượng nhất chính là mặt hàng sầu riêng , với giá trị xuất khẩu thu về tới hơn 2 tỷ USD, tăng 1,82 tỷ USD so với năm 2022, chiếm tới 37,5% kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta.
Theo Tổng cục Hải quan, sầu riêng của nước ta chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với kim ngạch năm 2023 đạt 2,03 tỷ USD, chiếm tới 99,4% tổng kim ngạch xuất khẩu loại quả này của cả nước.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay, sầu riêng tươi của Việt Nam đã xuất khẩu tới 24 thị trường. Ngoài ra, sầu riêng đông lạnh cũng được tiến hành xuất khẩu tới 23 thị trường trên thế giới.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam ước đạt 110.000 ha, tăng hơn 24% mỗi năm. Trong đó, diện tích cho thu hoạch là 54.400 ha, với năng suất 16,5 tấn/ha và có sản lượng đạt 849.100 tấn.
Về triển vọng xuất khẩu rau quả năm 2024, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước dự báo còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng ngành hàng rau quả có nhiều dư địa để hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 6 tỷ USD.
Một phần nguyên nhân là do mặt hàng xuất khẩu rau quả chủ lực là sầu riêng được dự báo là sẽ đạt sản lượng cao hơn so với năm 2023. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở thị trường lớn nhất hiện nay là Trung Quốc vẫn còn rất lớn.
Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy việc mở rộng xuất khẩu rau quả sang các thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Úc, Hàn Quốc...
Để tăng cường kiểm soát chính thức và khẩn cấp tạm thời với hàng hóa nhập vào Liên minh châu Âu (EU), ngày 17/1, Ủy ban châu Âu đăng công báo. Theo đó, lần đầu tiên sầu riêng tươi và đông lạnh của Việt Nam vào EU sẽ bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu ở ngay cửa khẩu, với tần suất là 10%.
Lý giải về điều này, EU cho hay, theo dữ liệu từ Hệ thống cảnh cáo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) và thông tin về những biện pháp kiểm soát chính thức của các quốc gia thành viên, cho thấy về sự xuất hiện của các rủi ro mới với sức khỏe của con người, do khả năng bị ô nhiễm từ dư lượng thuốc trừ sâu . Vì vậy, EU phải tiến hành yêu cầu tăng cường về mức độ kiểm soát chính thức của việc nhập khẩu những lô hàng sầu riêng từ Việt Nam.
Ngoài sầu riêng , còn có 2 mặt hàng khác của Việt Nam phải vào diện chịu giám sát về an toàn thực phẩm ở cửa khẩu là mỳ ăn liền và ớt chuông, với tần suất kiểm tra tương ứng là 20% và 50%.
Trên thực tế, Việt Nam không phải là trường hợp duy nhất có hàng hóa bị siết chặt để kiểm tra về an toàn thực phẩm của thị trường EU. Bởi quy định lần này bổ sung hơn 100 mặt hàng đến từ 27 quốc gia cần phải kiểm tra ngay tại biên giới.
Theo đó, quy định mới của EU sẽ chính thức có hiệu lực sau ngày đăng công báo 20 ngày, tức là khoảng đầu tháng 2/2024.
Sầu riêng được coi là nguồn cung cấp năng lượng tuyệt vời cho cơ thể người. Theo đó, trong 100 gram sầu riêng có chứa 21% năng lượng cacbohydrate, đáp ứng nhu cầu cơ thể hàng ngày. Ngoài ra, sầu riêng còn là loại quả giúp chống trầm cảm tự nhiên, sản sinh Serotonin (một hợp chất giúp tạo nên những cảm xúc tích cực cho con người); tốt cho xương và răng do có nhiều canxi và các vitamin... ; hỗ trợ chống lão hóa, duy trì mức huyết áp ổn định...
Bài viết tham khảo nguồn: Mard, Customs, VINAFRUIT, PPD, Healthline, European Commission