Đầu tuần này, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Liên minh Châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat đã gặp gỡ tại Brussels và tiết lộ chi tiết về kế hoạch trị giá 150 tỷ euro của EU dành cho "lục địa đen" trong khuôn khổ sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway).
Sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu thể hiện sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của EU từ hỗ trợ phát triển sang đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, cùng với đó là đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và sản xuất.
Kế hoạch đầu tư vào "lục địa đen" lần đầu được công bố vào tháng 12/2021, nằm trong khuôn khổ sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu trị giá 300 tỷ euro của EU. Trong đó, khoản đầu tư vào châu Phi chiếm 50% trong khoản ngân sách cho sáng kiến này.
Nhiều nhà quan sát coi sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu của EU là đối trọng với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Thực tế, trong những phát biểu của bà Von der Leyen cũng có sự so sánh với "những dự án cơ sở hạ tầng khác".
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với ông Mahamat vào đầu tuần này, bà Von der Leyen nhấn mạnh: "Sự khác biệt của sáng kiến Cửa ngõ châu Âu so với những dự án cơ sở hạ tầng khác là sự minh bạch, quản trị tốt và mục tiêu nâng cao giá trị, kỹ năng cho đối tác".
Chi tiết về khoản đầu tư 150 tỷ euro của EU vào châu Phi
Trong cuộc họp báo chung, bà Von der Leyen và Mahamat đã đề cập tới xung đột quân sự Nga-Ukraine đã đặt ra những thách thức lớn về an ninh lương thực và an ninh năng lượng cho cả hai lục địa.
Châu Âu đã cam kết đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia châu Phi chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các loại năng lượng sạch, trong đó nổi bật nhất là Sáng kiến Xanh Châu Phi-EU. Ước tính khoản đầu tư vào lĩnh vực này trị giá 15 tỷ euro.
Hiện tại một số dự án "xanh" do EU tài trợ đã được triển khai tại nhiều quốc gia châu Phi, bao gồm khoản đầu tư 1,6 tỷ euro cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Morocco, 3 tỷ euro cho dự án Quan hệ đối tác chuyển đối năng lượng công bằng với Nam Phi, và 1 tỷ euro để hỗ trợ Bờ biển Ngà chuyển đổi sang phát thải carbon thấp.
Đầu tuần này, EU cũng nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp hydro của Châu Phi có tiềm năng phát triển mạnh - có thể cung cấp ít nhất 40 Gigawatt điện sản xuất vào năm 2030.
Bà Von der Leyen cũng nhấn mạnh rằng vấn đề an ninh lương thực của châu Phi cần những hành động ngay lập tức, vào cam kết tài trợ hơn 4,5 tỷ euro cho lục địa này cho đến năm 2024 để giúp lục địa đen gia tăng sản lượng lương thực địa phương thông qua việc áp dụng các công nghệ hiện đại.
Hai bên cũng cam kết hợp tác trong vấn đề cung cấp phân bón và cùng nhau giải quyết các thách thức trong ngắn hạn và dài hạn liên quan đến phân bón.
Khoản đầu tư cũng sẽ được sử dụng để xây dựng các cơ sở hạ tầng lớn nhằm liên kết hai châu lục. Theo đó, EU và AU đã xác định 11 hành lang chiến lược để phát triển các chuỗi giá trị mới có thể mang lại lợi ích cho các ngành công nghiệp của cả hai bên.
EU đã công bố khoản tài trợ trị giá 58,6 triệu euro cho Hành lang Libreville/Kibri/Douala-N’Djamena ở Tây và Trung Phi, và khoản đầu tư 91 triệu euro cho Hành lang Mombasa-Kisangani ở Đông Phi. Hai bên cũng sẽ hợp tác để liên kết các tuyến cáp internet dưới biển.
Hai tuyến cáp ngầm dưới biển hiện đang được triển khai là tuyến Medusa kết nối các quốc gia Bắc Phi với các nước EU, và tuyến cáp này dự kiến sẽ được mở rộng tới Tây Phi, cùng với đó là tuyến Châu Phi 1 sẽ liên kết Châu Âu với toàn bộ bờ biển phía đông của Châu Phi.
Khoản đầu tư của EU liệu có đủ để cạnh tranh với Trung Quốc?
Bên cạnh Sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu, EU còn kết hợp cùng Mỹ trong Sáng kiến Đối tác vì Cơ sở hạ tầng và Đầu tư toàn cầu (Partnership for Global Infrastructure and Investment - PGII) trị giá 600 tỷ USD để cạnh tranh với Vành đai và Con đường Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Politico, trong khi quy mô của Vành đai và Con đường ngày càng lớn mạnh và vững vàng, thì phương Tây vẫn đang chật vật "xây dựng thương hiệu", những dự án của phương Tây được coi là "đối trọng" với Trung Quốc vẫn còn mơ hồ, chưa thực sự cụ thể.
Politico cho rằng Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh hơn so với EU do Sáng kiến Vành đai và Con đường được triển khai từ sớm (năm 2013), khi các quốc gia đang phát triển coi đây là cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế của họ phát triển.
Và trong khi Trung Quốc có các công ty nhà nước tham gia vào chiến lược toàn cầu của họ, thì phương Tây không thể thể sử dụng các công ty tư nhân theo cách tương tự.
Học giả Erin Murphy từ Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, cho hay phương Tây đang cố gắng đuổi kịp Trung Quốc, nhưng việc cố gắng cạnh tranh với quy mô và phạm vi của Vành đai và Con đường là không thực tế.
"Thay vào đó, [phương Tây] có thể cạnh tranh theo cách thông minh bằng việc tập trung vào chất lượng của các dự án thay vì số lượng, và tập trung vào những lĩnh vực 'ngách' mà Trung Quốc chưa để tâm", ông Murphy nói./.