EU cân nhắc lệnh cấm
Theo Japan Times, các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu đang đàm phán về các bước mà EU có thể thực hiện để hạn chế nhập khẩu dầu từ Nga và cắt giảm thu nhập mà Moscow kiếm được từ việc bán năng lượng.
Những lựa chọn được thảo luận bao gồm lệnh cấm, đặt trần giá cả và thay đổi cơ chế thanh toán để khấu trừ doanh thu mà Nga có được kể từ khi chiến dịch đặc biệt bắt đầu..
Một nguồn tin giấu tên cho biết mục tiêu của cuộc đàm phán là tìm ra cách để hạn chế các chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin càng chặt càng tốt.
Một mối quan tâm lớn của Mỹ là việc EU ra lệnh cấm hoàn toàn dầu của Nga có thể khiến giá cả tăng vọt và mang lại cho Điện Kremlin nhiều doanh thu hơn nữa. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết rằng lệnh cấm vận hoàn toàn có thể gây tổn hại nặng nề cho các nền kinh tế châu Âu và không ảnh hưởng nhiều đến Nga như kỳ vọng.
Cho đến nay, Nga đã chịu các lệnh trừng phạt do Mỹ, các đồng minh châu Âu và các nền quốc gia khác bao gồm Nhật Bản áp đặt. Trong khi đó, đồng rúp đã phục hồi phần lớn giá trị mà nó đã mất kể từ sau chiến dịch của Điện Kremlin. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga đã chịu một chấn động đáng kể và ngân hàng trung ương Nga đã cảnh báo về suy thoái sâu và kéo dài.
IMF tuần qua dự báo GDP của Nga trong năm nay sẽ giảm 8,5%.
EU hiện đang thực hiện gói trừng phạt thứ 6 và cũng đang xem xét các biện pháp tiềm năng khác nhằm vào ngành dầu mỏ Nga như hạn chế đối với một số mặt hàng dầu và đánh thuế nhập khẩu. Nhà ngoại giao hàng đầu của khối, Josep Borrell, nói với truyền thông Tây Ban Nha vào hôm 22/4 rằng không có đề xuất nào trong số các đề xuất này có được sự ủng hộ đầy đủ của tất cả các nước thành viên EU.
Các biện pháp trừng phạt của EU đòi hỏi sự nhất trí và một số quốc gia, bao gồm cả Đức và Hungary, đã phản đối các động thái cấm hoàn toàn dầu khí của Nga.
Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết chính quyền Mỹ đang tiếp tục trao đổi với các đồng minh châu Âu về các chiến lược nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Vấn đề khi ngừng nhập năng lượng từ Nga
Một số quan chức cho biết EU có thể bắt đầu đưa ra các đề xuất để các nước thành viên thảo luận sớm nhất là vào tuần tới. Theo các nguồn tin, việc đạt được sự đồng thuận về lệnh cấm hạn chế đối với dầu thô sẽ dễ dàng hơn là hạn chế nhập khẩu dầu diesel và các sản phẩm khác.
EU trả cho Nga khoảng 1,1 tỷ USD mỗi ngày để cung cấp năng lượng, trong khi Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu của Nga vào tháng trước.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen cho biết trong một cuộc điều trần trước quốc hội rằng lập một tài khoản ủy thác cho tiền thu được từ việc bán dầu và khí đốt của Nga là một ý tưởng "đáng để nghiên cứu" trong nỗ lực hạn chế doanh thu của Moscow.
Estonia đã đưa ra một đề xuất tương tự, đề nghị các quốc gia EU giữ lại và đóng băng một phần doanh thu năng lượng của Nga trong một tài khoản đặc biệt cho đến khi Điện Kremlin rút quân.
Dầu của Nga xuất khẩu sang châu Âu ở dạng cả dầu thô, được chế biến tại các nhà máy lọc dầu ở châu Âu để làm nhiên liệu và dưới dạng thành phẩm, trong đó quan trọng nhất là dầu diesel.
Vì các nhà máy lọc dầu ở miền đông Đức, Ba Lan, Slovakia, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovkia được kết nối với một hệ thống đường ống chính chở dầu thô từ Nga, nên việc ngừng cung cấp dầu thô sẽ vô cùng khó khăn đối với một số quốc gia.
Ba Lan đã thực hiện các bước để loại bỏ dầu thô của Nga, ký một thỏa thuận cung cấp lớn với Ả Rập Xê Út vào tháng 1. Nhưng việc dừng dòng dầu thô của Nga một cách đột ngột có thể là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở những vùng rộng lớn của Đức.
Việc ngừng nhập khẩu nhiên liệu diesel của Nga sẽ gây ra nhiều vấn đề khác nhau. Thị trường dầu diesel châu Âu vốn đã rất hẹp trước chiến dịch của Nga và việc cắt nguồn cung chính - khoảng 20% lượng dầu diesel nhập khẩu của EU đến từ Nga - chắc chắn khiến tình hình trở nên khó khăn hơn.
Ngân hàng Bundesbank cho biết nền kinh tế Đức có thể giảm gần 2% trong năm nay nếu cuộc chiến ở Ukraine leo thang và lệnh cấm vận đối với than, dầu và khí đốt của Nga dẫn đến những hạn chế đối với các nhà cung cấp điện và ngành công nghiệp.