ECB hôm thứ Năm (21/7) đã nâng lãi suất tham chiếu đối với tiền gửi lên 0%, vượt mức dự kiến trước đó là 25 điểm cơ bản, khi cùng với các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu tăng chi phí đi vay nhằm kiểm soát lạm phát, khi nền kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) chịu tác động từ xung đột tại Ukraine.
Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB trong 11 năm, kết thúc 8 năm áp dụng lãi suất âm. ECB cũng tăng lãi suất tái cấp vốn lên 0,5% và phát tín hiệu có thể sẽ tiếp tục tăng tại cuộc họp vào tháng Tám.
Đồng euro tăng khoảng 0,7% ngay sau quyết định của ECB lên mức 1,0279 USD – mức cao nhất trong vòng gần 2 tuần. Các thị trường chứng khoán châu Âu biến động sau quyết định này. Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức ở mức cao nhất trong ba tuần.
Kết thúc ngày 21/7 theo giờ Việt Nam, đồng euro ở mức 1,019 USD, vẫn tăng 0,09% so với đóng cửa phiên liền trước.
Karl Schamotta, Giám đốc chiến lược thị trường của công ty thanh toán kinh doanh Corpay, cho biết: "Với màn khai hỏa vang dội này, ECB đã thể hiện sự linh hoạt và sẵn sàng vượt ra khỏi những băn khoăn của chính mình, cho thấy rằng những người ủng hộ chính sách tiền tệ đã giành được quyền kiểm soát đối với Hội đồng quản trị".
ECB cho biết việc tiếp tục bình thường hóa lãi suất là quyết định phù hợp. Việc kết thúc thời kỳ lãi suất âm cho phép ECB chuyển sang cách tiếp cận theo từng cuộc họp trong các quyết định lãi suất.
Tuy nhiên, đà phục hồi ban đầu của đồng euro đã chững lại sau khi Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết ngân hàng đang đẩy nhanh (hơn dự kiến ban đầu) việc thoát khỏi lãi suất âm nhưng không thay đổi mục tiêu cuối cùng.
Các nhà hoạch định chính sách của ECB cũng đồng ý hỗ trợ thêm cho các quốc gia có mức nợ cao trong khối 19 nước Eurozone - trong đó có Ý - với một kế hoạch mua trái phiếu mới nhằm hạn chế sự gia tăng chi phí đi vay của họ và từ đó hạn chế sự phân mảnh về tài chính.
Tỷ giá euro so với các tiền tệ chủ chốt.
Tuy nhiên, Michael Brown, người đứng đầu bộ phận thông tin thị trường của Caxton ở London, cho biết đợt tăng giá của đồng euro để phản ứng với mức tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến có thể sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, do rủi ro suy thoái ngày càng gia tăng đối với khối kinh tế.
Eurozone chịu tác động lớn hơn từ xung đột tại Ukraine và nguy cơ Nga cắt nguồn cung khí đốt có thể khiến khu vực này rơi vào suy thoái, đặt các nhà hoạch định chính sách vào thế tiến thoái lưỡng nan trong việc cân bằng giữa các cân nhắc về tăng trưởng và lạm phát. Nhiệm vụ cuối cùng của ECB là kiểm soát lạm phát và lạm phát cao trong thời gian quá dài có thể làm vấn đề thêm trầm trọng, khi các doanh nghiệp tự động điều chỉnh giá.
Bên cạnh đó, mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản của ECB vẫn thấp hơn các ngân hàng trung ương khác như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nơi có mức tăng 75 điểm cơ bản trong tháng trước và có thể tăng một mức tương tự trong tháng này.
Đồng tiền chung châu Âu vào tuần trước đã giảm xuống ngang bằng với đồng đô la lần đầu tiên kể từ năm 2002, sau đó đã hồi phục nhanh trở lại do kỳ vọng ECB sẽ có quan điểm "diều hâu" và đường ống dẫn khí Nord Stream 1 sẽ mở lại đúng hạn sau 10 ngày bảo trì.
Và thực tế đường ống này đã mở cửa trở lại vào thứ Năm (21/7), với cơ quan quản lý mạng của Đức cho biết khối lượng khí chảy qua ống dẫn đã trở lại mức trước khi bảo trì, là 40% công suất.
Các nhà giao dịch ngoại hối cũng đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Ý, khi Thủ tướng Mario Draghi từ chức vào ngày 21/7 sau khi chính phủ đoàn kết dân tộc của ông tan rã, khiến nước này phải tiến hành một cuộc bầu cử sớm và ảnh hưởng đến thị trường tài chính.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 21/7/2022 theo giờ Việt Nam đã giảm 0,0755%, xuống 107,0005. So với yen Nhật, USD đi ngang ở mức 138,21 yên, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mắc kẹt với chính sách tiền tệ siêu lỏng như dự kiến, trái ngược với xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu, kể cả khi ngân hàng này nâng dự báo về lạm phát.
Đồng bảng Anh giảm 0,33% so với đồng bạc xanh, xuống 1,193 USD, khi các nhà giao dịch theo dõi cuộc chạy đua để thay thế Boris Johnson làm Thủ tướng Anh, với cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak và ngoại trưởng Liz Truss vượt qua vòng cuối cùng của cuộc đua để trở thành lãnh đạo của đảng Bảo thủ.
Đô la Australia và đô la New Zealand giảm nhẹ, với AUD giảm 69 xu xuống 0,6895 USD, còn NZD ở mức 0,6228 USD.
Tiền tệ châu Á đồng loạt giảm trong phiên vừa qua, dẫn đầu là bath Thái. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm xuống mức thấp nhất gần một tuần so với đồng USD sau khi ngân hàng trung ương hạ tỷ giá tham chiếu, trong khi rủi ro âm ỉ trong lĩnh vực bất động sản cũng làm giảm tâm lý của nhà giao dịch.
Theo đó, nhân dân tệ giảm 73 pip xuống 6,7643 CNY/USD.
Tỷ giá tiền tệ châu Á.
Trên thị trường tiền điện tử, bitcoin giảm gần 3% trong phiên vừa qua, lúc kết thúc ngày 21/7 theo giờ Việt Nam ở mức 23.057 USD, một ngày sau khi nhà sản xuất ô tô điện Tesla Inc cho biết họ đã bán khoảng 75% số lượng token ảo mà họ nắm giữ.
Giá Bitcoin ngày 21/7.
Vàng bật tăng giá trở lại từ mức thấp nhất 1 năm, tăng hơn 1% trong phiên vừa qua, do nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn lại tăng lên trong bối cảnh lo ngại về kinh tế toàn cầu và USD yếu đi.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 21/7 theo giờ Việt Nam tăng 1% lên 1.713,99 USD/ounce, sau khi có lúc chạm 1.680,25 USD, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3 năm 2021. Giá vàng giao tháng 8 cũng tăng 0,9% lên 1.715,00 USD/ounce.
Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures cho biết: "Nhìn chung, họ (châu Âu) đang ở trong tình trạng tồi tệ," với mọi thứ từ khía cạnh địa chính trị với Ukraine, giá năng lượng tăng, số nợ lớn, tất cả đều thúc đẩy mọi người quan tâm mua vàng".
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk