Các vụ vỡ nợ và khủng hoảng chậm tiến độ của các công ty trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến các trái chủ và những người mua nhà, hàng nghìn nhà cung cấp nhỏ từ nguyên vật liệu ốp lát đến các dịch vụ dọn dẹp vệ sinh đang chờ Evergrande trả tiền.
Công ty của ông Feng Guoxun là một trong những nhà cung cấp như vậy. Người đàn ông 36 tuổi cho biết các nhà phát triển bất động sản, trong đó có Evergrande, đã nợ công ty quảng cáo của ông 200.000 USD. Những khoản nợ khó đòi đang đẩy ông đến bờ vực phá sản.
Feng cho biết ông vẫn đang chờ 489.500 nhân dân tệ (77.000 USD) mà nhà phát triển Evergrande – từng là tập đoàn lớn nhất đất nước – đã nợ ông kể từ tháng 8.
Ông Feng cho biết: "Đó là một con số không thể tưởng tượng được đối với chúng tôi. Nếu tôi không thể lấy lại tiền của mình, tôi sẽ phải trải qua những năm tháng khó khăn với hai bàn tay trắng". Công ty Shijiazhuang Kaichen Advertising Co. của ông Feng làm ăn có lãi cho đến khi đại dịch xảy ra vào năm 2020. Hiện tại, công ty của ông đã mất toàn bộ nhân viên của mình.
Nhiều công ty cũng rơi vào tình cảnh tương tự như ông Feng, khi thị trường nhà ở lao dốc, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của các nhà cung cấp trong các ngành từ nội thất đến xây dựng. Ngoài ra, hàng loạt đợt bùng phát của dịch bệnh đã khiến chi phí nguyên vật liệu tăng cao, dẫn đến các quy định cấm vận và tắc nghẽn chuỗi cung ứng gây tổn hại đến lợi nhuận của nhiều công ty.
Tâm lý kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ giảm
Nội các Trung Quốc tuyên bố sẽ chấn chỉnh vấn đề trễ hạn trả nợ cho các doanh nghiệp nhỏ hoặc thanh toán cho các dịch vụ bằng hối phiếu thương mại thay vì tiền mặt.
Nhiều nhà phát triển mắc nợ lớn chỉ thanh toán cho các nhà cung cấp bằng các hối phiếu. Hiện hình thức thanh toán này đã đã ngừng lại trong bối cảnh suy thoái thanh khoản toàn ngành. Theo Central Wealth Securities Investment Ltd., Evergrande ước tính có hơn 200 tỷ nhân dân tệ hối phiếu chưa thanh toán vào cuối năm 2020.
Sun Wenkai, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ Quốc gia tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, cho biết: "Vấn đề của Evergrande không chỉ là liên quan đến một công ty, mà còn là hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ cung cấp sản phẩm cho họ. Các công ty nhỏ không có ra giá và họ phải chịu chi phí cao hơn. Vì vậy, họ bị ép giá ở cả hai đầu".
Các vấn đề mà doanh nghiệp nhỏ đối mặt sẽ tác động ngược lại đến nền kinh tế, khiến các công ty giảm tuyển dụng và chi tiêu. Điều này kết hợp với doanh số bán lẻ yếu do chưa hồi phục lại mức tăng trưởng trước đại dịch, trở thành yếu tố gây áp lực lên sự tăng trưởng.
Chính sách Zero Covid nghiêm ngặt của Trung Quốc về cơ bản đã loại bỏ được nguy cơ bùng phát dịch bệnh và giữ cho nguy cơ lây nhiễm và tử vong ở mức rất thấp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phải gánh áp lực từ việc phong tỏa đột ngột, cũng như các hạn chế làm giảm đi lại và chi tiêu.
Các nhà chức trách đã đưa ra hàng loạt các biện pháp để giúp các doanh nghiệp nhỏ trong những tháng gần đây. Các biện pháp bao gồm khuyến khích các ngân hàng cung cấp các khoản vay rẻ hơn, kéo dài thời hạn nộp thuế.
Nỗ lực đó vừa cho thấy tình hình tồi tệ của các doanh nghiệp nhỏ và chỉ ra tầm quan trọng của họ đối với nền kinh tế. Các doanh nghiệp nhỏ chiếm hơn 60% GDP của Trung Quốc và hơn 80% việc làm cho người lao động.
Chỉ số phục hồi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nguồn: Bloomberg
Tuy nhiên, dấu hiệu của sự căng thẳng hiện diện ở khắp mọi nơi. Tâm lý kinh doanh giữa các doanh nghiệp nhỏ trong ngành bất động sản đã giảm trong 7 tháng liên tiếp. Trong khi đó, tâm lý tự tin nói chung trong tháng 10 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2020, theo một cuộc khảo sát với 3.000 công ty nhỏ của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Business Big Data Co. (BBD), căng thẳng cũng xuất hiện trên thị trường lao động. Theo Chen Qin, nhà kinh tế trưởng tại BBD, tỷ lệ này thường tăng lên khi tăng trưởng đi xuống gây áp lực lớn và môi trường kinh doanh ngày càng xấu đi đối với các công ty nhỏ.
Ông Feng không thể vay ngân hàng để giúp công ty mình tồn tại. Gần đây, ông đã phải bán chiếc SUV điện của mình và nợ tín dụng hơn 100.000 nhân dân tệ để trả lương cho 8 nhân viên của mình. Tất cả họ đều đã rời khỏi công ty.
Khi bắt đầu quá trình khởi kiện hai nhà phát triển Evergrande và Guangzhou R&F Properties, ông Feng cho biết: "Sau khi tôi lấy lại được tiền của mình, tôi chắc chắn sẽ đóng cửa công ty. Tôi đã già và không còn tự tin để trở thành doanh nhân một lần nữa".
Theo Bloomberg