Việc không thanh toán 82,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu đến hạn vào tháng trước (Evergrande có thêm 30 ngày để thanh toán) sẽ gây ra tình trạng vỡ nợ chéo đối với khoảng 19 tỷ USD trái phiếu quốc tế của công ty và khiến nhà phát triển bất động sản này đứng trước nguy cơ gây ra vụ vỡ nợ lớn nhất Trung Quốc.
Evergrande là gì?
Ông Hứa Gia Ấn thành lập Evergrande tại Quảng Châu vào năm 1996. Đây là công ty phát triển bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc với doanh thu 110 tỷ USD vào năm ngoái. Tài sản của công ty này khoảng 355 tỷ USD và đang nắm trong tay hơn 1.300 dự án bất động sản trên khắp Trung Quốc. Công ty này chào sàn ở Hồng Kông vào năm 2009.
Evergrande phát triển nhanh chóng nhờ vay được tiền để làm các dự án bất động sản và bán chúng một cách nhanh chóng với tỷ suất lợi nhuận thấp. Tính đến cuối tháng 6, công ty này có 163.119 nhân viên.
Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản tăng trưởng chậm lại, công ty đã phải chuyển sang các lĩnh vực kinh doanh khác như bảo hiểm, nước đóng chai, câu lạc bộ bóng đá và xe điện.
Nợ của Evergrande được chú ý từ khi nào?
Vào tháng 9 năm ngoái, một lá thư bị rò rỉ cho thấy Evergrande đang cầu xin sự hỗ trợ của Chính phủ để được niêm yết cửa sau (được niêm yết trên sàn chứng khoán nhờ mua lại hoặc sáp nhập với một công ty niêm yết khác tại sàn Thâm Quyến) nhưng thất bại. Các nguồn tin của Reutes cho biết lá thư là xác thực trong khi Evergrande nói nó là giả.
Cho tới tháng 6 vừa qua, Evergrande cho biết họ đã không thanh toán đúng hạn một số trái phiếu. Vào tháng 7, một tòa án đã phong tỏa tài khoản tiền gửi ngân hàng trị giá 20 triệu USD mà công ty này đang nắm giữ theo yêu cầu của ngân hàng.
Cuối tháng 8, Evergrande cho biết việc xây dựng tại một số dự án bị tạm dừng do việc thanh toán cho các nhà thầu và nhà cung cấp bị chậm. Vào tháng 9, công ty này tìm cách gia hạn thanh toán cho các khoản tín chấp và các khoản vay ngân hàng.
Tính tới cuối tháng 6, người ta xác định số nợ phải trả của Evergrande là 306 tỷ USD, tương đương 2% GDP của Trung Quốc.
Evergrande giảm nợ thế nào?
Công ty này đã đẩy nhanh nỗ lực cắt giảm nợ vào năm ngoái sau khi các nhà quản lý ban hành quy định mới, vốn được biết tới là "ba lằn ranh đỏ". Theo đó, các công ty bất động sản sẽ bị hạn chế tiếp cận nguồn vốn khi được xác định sức khỏe tài chính không lành mạnh.
Cụ thể "3 lằn ranh đỏ" bao gồm: 1/ tỉ lệ nợ phải trả trên tài sản (không bao gồm các khoản trả trước) phải dưới 70%; 2/ tỉ lệ tổng nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu tối đa 100%; 3/ tỉ lệ tiền mặt/nợ ngắn hạn lớn hơn 1. Dự kiến, nó sẽ được áp dụng vào cuối năm 2022.
Ngay lập tức, Evergrande giảm giá mạnh tại các dự án phát triển bất động sản của mình nhằm tăng doanh số bán hàng. Cùng với đó, công ty cũng bán phần lớn các bất động sản thương mại của mình. Kể từ cuối năm 2020, công ty đã bán được 555 triệu USD cổ phiếu thứ cấp và huy động được 1,8 tỷ USD bằng cách niêm yết đơn vị quản lý tài sản của mình. Họ cũng 3,4 tỷ USD cổ phần trong mảng xe điện của mình.
Vào tháng 9, công ty cho biết kế hoạch xử lý tài sản và vốn chủ sở hữu đã không đạt được tiến bộ quan trọng. Kể từ đó, công ty cũng phải bán thêm cổ phần của mình và cổ phần từ các công ty con, chẳng hạn như HengTen Networks Group Ltd để huy động vốn.
Rủi ro là gì?
Năm 2018, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nói rằng một số công ty, bao gồm Evergrande, có thể gây ra rủi ro với hệ thống tài chính. Các khoản nợ của công ty này liên quan tới 128 ngân hàng và 121 tổ chức phi ngân hàng. Đây không phải thông tin chính thức mà được biết tới qua một bức thư bị rò rỉ.
Việc trả nợ trễ hạn có thể gây ra tình trạng vỡ nợ chéo do nhiều tổ chức tài chính vừa có các khoản vay trực tiếp vừa nắm giữ gián tiếp thông qua các công cụ tài chính khác nhau.
Các nhà quản lý nói gì về Evergrande?
Nhà chức trách Trung Quốc, bao gồm Phó Thủ tướng Lưu Hạc, ngân hàng Trung ương và các cơ quan quản lý chứng khoán đã và đang đảm bảo sẽ không có vấn đề gì với hệ thống tài chính Trung Quốc khi Evergrande vỡ nợ. Vấn đề của tập đoàn này được cho là bắt nguồn sự quản lý yếu kém của doanh nghiệp và bành trướng quá mức của công ty.
Trong tuyên bố gần đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc khẳng định rủi ro ngắn hạn với một công ty bất động sản duy nhất sẽ không thể làm suy yếu hoạt động huy động vốn của thị trường trong trung hoặc dài hạn. Việc bán nhà, mua đất và cho vay "đã trở lại bình thường" ở Trung Quốc.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Hôm đầu tuần, Evergrande cho biết họ đã thành lập một ủy ban quản lý rủi ro, bao gồm các quan chức từ các tập đoàn nhà nước, nhằm hỗ trợ "giảm thiểu và loại bỏ các rủi ro trong tương lai".
Tuyên bố này được đưa ra sau khi chính quyền tỉnh Quảng Đông cho biết sẽ cử một nhóm đến Evergrande theo yêu cầu của công ty, điều mà các nhà phân tích báo hiệu rằng Evergrande sẽ bắt đầu quản lý tái cấu cấu tài sản nợ.
Morgan Stanley cho biết một quá trình quản lý nợ sẽ bao gồm sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để duy trì hoạt động của các dự án bất động sản và đàm phán với các chủ nợ trong nước để đảm bảo nguồn tài chính cho việc hoàn thành dự án.
Ngoài ra, Morgan Stanley cũng tin rằng các cơ quan quản lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thảo luận tái cơ cấu lại nợ với các chủ nợ nước ngoài sau khi hoạt động ổn định.
Tham khảo: Reuters