EVFTA: Cơ hội lớn cho nhiều ngành

20/10/2018 08:33
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn ở EU khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực. Song, việc khai thác thị trường này còn phụ thuộc vào từng doanh nghiệp.

Ủy ban châu Âu vừa thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu để chấp thuận ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến vào cuối năm 2018 và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn đầu năm 2019. EVFTA là một trong những hiệp định hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích lớn cho kinh tế Việt Nam.

Nhiều lợi ích

Theo cam kết trong EVFTA, các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ xóa bỏ 84% dòng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trong 7 năm từ ngày hiệp định có hiệu lực, hơn 99% dòng thuế sẽ được xóa bỏ cho Việt Nam.

Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy trong khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia hàng đầu xuất khẩu hàng hóa sang EU và sẽ nhận được nhiều lợi ích so với các hiệp định thương mại khác đã tham gia. EU và Việt Nam là 2 thị trường bổ sung, hỗ trợ nhau. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa mà EU không có thế mạnh hoặc không sản xuất được như thủy sản, trái cây nhiệt đới...

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhìn nhận ngành thủy sản sẽ hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực. Khoảng 90% dòng thuế đánh vào các mặt hàng thủy sản xuất khẩu qua EU sẽ giảm về 0% trong 3-4 năm. Đây là lợi thế lớn so với các nước khác cùng xuất khẩu thủy sản, bởi mức thuế nhập khẩu EU hiện khoảng 14%. Riêng mặt hàng tôm sẽ khả quan hơn bởi thuế nhập khẩu vào thị trường này sẽ giảm mạnh từ năm đầu tiên, sau đó giảm dần về 0% trong những năm tiếp theo.

Theo VASEP, 9 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản đạt khoảng 6,4 tỉ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng thị trường EU, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,1 tỉ USD và có thể cán mốc 1,6 tỉ USD trong năm nay.

"EU hiện là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm. Mục tiêu xuất khẩu mỗi năm 2 tỉ USD giá trị thủy sản sang đây là khả quan. Hiện các DN trong ngành tập trung gỡ thẻ vàng từ thị trường này" - ông Hòe cho biết.

Với ngành dệt may, EVFTA cũng là hiệp định được kỳ vọng lớn. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, đánh giá EVFTA có hiệu lực sẽ tạo cơ hội rõ rệt cho DN trong ngành. Trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 22,4 tỉ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó Mỹ và EU là 2 thị trường nhập khẩu nhiều nhất.

"Lâu nay, các DN trong ngành khai thác một số hiệp định thương mại tự do (FTA) với các thị trường trong khu vực như Nhật, Hàn Quốc, riêng ASEAN chưa tận dụng được nhiều do bị cạnh tranh gay gắt. Có EVFTA sẽ giúp DN thêm lợi thế cạnh tranh" - ông Hồng phân tích.

Tại Tổng Công ty CP Phong Phú, việc xây dựng được chuỗi sản xuất khép kín từ sợi - dệt - nhuộm may đã giúp DN này ứng biến linh hoạt theo từng biến động của thị trường. Từ những năm trước, Phong Phú đã không ngừng đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, nghiên cứu và tạo ra những sản phẩm mang tính khác biệt để mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Với EVFTA, lãnh đạo Phong Phú dự báo có thể là tiền đề quan trọng giúp DN bứt phá hơn nữa trong thời gian tới. Trước khi có hiệp định này, hàng hóa Phong Phú như vải, sợi, khăn bông, sản phẩm may mặc thời trang... đã có mặt tại EU. Với cơ hội lần này, Phong Phú đặt kỳ vọng tăng thị phần và doanh thu gấp 2-5 lần hiện nay.

EVFTA: Cơ hội lớn cho nhiều ngành - Ảnh 1.

Ngành dệt may tăng lợi thế cạnh tranh khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực. Ảnh: TẤN THẠNH

Tránh bị "mượn xuất xứ"

Theo EuroCham, với EVFTA, sản lượng xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam như hạt tiêu, cà phê, hải sản, điều... chắc chắn sẽ tăng đáng kể. Tuy nhiên, để tận dụng được ưu đãi, các DN xuất khẩu cần tuân thủ tiêu chuẩn cao về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU.

Ông Trương Đình Hòe cho rằng đi kèm với các cam kết ưu đãi giảm thuế của EVFTA là những yêu cầu cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn kháng sinh đối với sản phẩm xuất khẩu mà DN Việt cần đáp ứng để khai thác được lợi thế của mình, nếu không thì sẽ gặp khó khăn. Thực tế, các yêu cầu này không phải quy định của một thị trường nào mà đã trở thành xu hướng chung của toàn cầu, nhất là đối với thủy sản Việt Nam khi 70% nguyên liệu đầu vào là từ nuôi trồng. Các DN cần chuẩn bị để cung cấp số liệu, hồ sơ, quy trình truy xuất nguồn gốc một cách bài bản để tạo niềm tin cho nhà nhập khẩu thủy sản Việt Nam.

Với ngành dệt may, theo ông Phạm Xuân Hồng, lâu nay, các DN vẫn đề xuất nhà nước đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Dù thời gian qua đã có chủ trương nhưng cần "thúc" quá trình này bằng chính sách để triển khai mạnh mẽ hơn. Đồng thời, muốn nâng giá trị gia tăng cho xuất khẩu dệt may, cần phát triển công nghiệp thời trang. Hiện nay, xuất khẩu dệt may đạt kim ngạch lớn nhưng giá trị gia tăng mang lại cho nền kinh tế chưa nhiều, chủ yếu là gia công.

Ngành da giày cũng được đánh giá là sẽ hưởng lợi nhiều khi hiệp định này có hiệu lực. Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu giày dép và túi xách lớn thứ 3 thế giới, doanh thu sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm liên quan cũng tăng nhanh. Việc ký kết một số FTA, nếu thêm EVFTA sẽ mở ra cơ hội phát triển cho ngành da giày Việt Nam, đặc biệt là thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu đối với thị trường EU.

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày TP HCM, DN xuất khẩu da giày kỳ vọng nhiều vào EVFTA nhưng tận dụng hiệu quả hay không thì tùy thuộc vào từng DN. Thực tế, khoảng 2 năm nay, các DN xuất khẩu da giày trong nước gặp khó khăn vì phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường, bị DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lấn lướt. Hiện thị phần xuất khẩu da giày của khu vực FDI chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.

Trong khi chờ EVFTA có hiệu lực, các DN trong ngành đang phải đối mặt những khó khăn khác. Chẳng hạn, gần đây xuất hiện khả năng lớn dịch chuyển sản xuất ngành da giày từ Trung Quốc sang Việt Nam sau cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khiến nhiều DN lo lắng.

"Chúng tôi vừa làm việc với nhiều đoàn DN từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật... sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư để "né" chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đơn hàng từ Trung Quốc tràn sang nhưng cũng có nguy cơ ngành da giày nội địa sẽ trở thành nơi "đóng dấu" xuất xứ cho hàng Trung Quốc xuất qua Mỹ. Thị trường EU có thể lấy cớ này làm khó ngành da giày Việt. Bởi trong quá khứ, giai đoạn 2006-2010, da giày Việt Nam từng bị EU đánh thuế chống bán phá giá và DN gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, cả DN và cơ quan quản lý cũng cần lưu tâm để có giải pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả" - ông Khánh cảnh báo.

EU và Việt Nam là 2 thị trường bổ sung, hỗ trợ nhau. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa mà EU không có thế mạnh hoặc không sản xuất được.

Tận dụng "thời điểm vàng"

Trong báo cáo của EuroCham năm 2018 về EVFTA, các chuyên gia đánh giá khi được phê duyệt và có hiệu lực, EVFTA sẽ tạo ra lực đẩy khổng lồ cho cả Việt Nam và EU, bắt đầu từ việc giảm thuế dần đối với rất nhiều loại hàng hóa.

Việt Nam có thể sẽ tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP lên đến 15.000 tỉ USD. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu và đầu tư từ EU có thêm cơ hội tiếp cận một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất với hơn 90 triệu dân.

Cụ thể, EVFTA sẽ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của Việt Nam trên tất cả các ngành, lĩnh vực; cải thiện khuôn khổ pháp lý và môi trường đầu tư kinh doanh; giảm thuế quan và các rào cản thương mại; nâng cao tiêu chuẩn an toàn chất lượng cũng như đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam. GDP của Việt Nam ước tính tăng thêm 0,5%/năm và kim ngạch xuất khẩu tăng thêm 4%-6%.

Theo các chuyên gia, khi EU đang trong quá trình thúc đẩy các thủ tục thương lượng FTA với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN, Việt Nam nên khai thác "thời điểm vàng" này một cách hiệu quả nhất để trở thành trung tâm đầu tư trong khu vực, trước khi các nước khác ký kết FTA với EU.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU đạt 31,2 tỉ USD, tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 và nhập khẩu gần 10 tỉ USD từ thị trường này. Tính ra, Việt Nam xuất siêu tới 21,2 tỉ USD từ EU.

Theo Bộ Công Thương, trong 9 tháng đầu năm 2018, tỉ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với khoảng 35% của các năm trước. Với 16 FTA đã và đang được đàm phán ký kết, 10 hiệp định FTA đã có hiệu lực, thị trường tiêu thụ của Việt Nam đang ngày càng mở rộng, tạo cơ hội gia tăng nhu cầu đối với hàng hóa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại xuất nhập khẩu.


Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
3 giờ trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
3 giờ trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
2 giờ trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
2 giờ trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
2 giờ trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Bảng giá cập nhật trực tuyến

Thịt bò

BEEF

1.433.774.606 VNĐ / tấn

347.05 BRL / kg

0.76 %

+ 2.60

Thịt gà

CHICKEN

33.752.884 VNĐ / tấn

8.17 BRL / kg

1.24 %

+ 0.10

Thịt heo

LEAN HOGS

4.524.131 VNĐ / tấn

80.75 USD / lbs

0.06 %

- 0.05

» Xem tất cả giá Thực phẩm

Tin cùng chuyên mục

"Con làm cha phá" là đây: Nuôi ngan vịt ở Châu Phi không dám ăn, ông Quý vừa sang đã làm 1 việc Quang Linh Vlogs khóc ròng
14 giờ trước
Nam YouTuber ở Việt Nam nhìn thấy cảnh này mà “khóc thét”.
Nước giải khát có đường sắp trở thành mặt hàng “xa xỉ”?
15 giờ trước
Khi giá bán lẻ của sản phẩm nước giải khát có đường tăng một cách đáng kể, có thể làm giảm lượng tiêu thụ
Nuôi con dân nhậu thích mê, anh nông dân thu lãi nhẹ nhàng gần 2 tỷ đồng/năm
1 ngày trước
Dám nghĩ dám làm, anh nông dân Kiên Giang quyết định đầu tư nuôi con đặc sản dân nhậu thích mê, trừ chi phí, mỗi năm thu nhập nhẹ nhàng gần 2 tỷ đồng.
Ly nước “giảm an tây” gây phẫn nộ, KATINAT ra thông cáo, xử lý nhân viên
1 ngày trước
Thay vì viết ghi chú “giảm đường, giảm đá” trên tem dán trên ly nước, nhân viên của KATINAT đã để thành “giảm đường, giảm an tây” gây ra sự bức xúc lớn.