Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với ngành Thủy sản Việt Nam nói chung, và ngành cá ngừ nói riêng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng như hiện nay.
Theo đó, cá ngừ hiện đang là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam sang EU. Trong 10 năm qua, EU luôn là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 2 của Việt Nam. Mỗi năm xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU trung bình đạt khoảng 110 triệu USD. Sau khi Việt Nam chính thức kết thúc đàm phán với EU vào năm 2015, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường này đã tăng trưởng liên tục, giá trị xuất khẩu tăng từ 97 triệu USD (năm 2015) lên hơn 158 triệu USD (năm 2018).
Riêng 3 tháng đầu năm 2019 do vướng mắc trong các thủ tục nhập khẩu nguyên liệu, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU có sụt giảm. Nhưng sau đó đã tăng trưởng trở lại trong tháng 4 và tháng 5. Tính riêng trong tháng 5, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đạt gần 12 triệu USD, tăng 6% so với tháng 5/2018. Trong số các nước EU, xuất khẩu sang Hà Lan tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, tăng 107% trong tháng này.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ chế biến đóng hộp lớn thứ 14 và là nguồn cung thăn/philê cá ngừ đông lạnh lớn thứ 2 cho EU. Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam xuất khẩu sang các nước EU đang khó cạnh tranh được với các nước như Philippines, Ecuador vì phải chịu mức thuế cao từ 18 – 24%. Ngay sau khi EVFTA được ký kết, mức thuế này sẽ được gỡ bỏ ngay lập tức, hoặc cắt giảm dần dần về 0% sau từ 3-7 năm, hoặc miễn thuế theo hạn ngạch, đây là cơ hội để giúp nâng cao tính cạnh tranh cho các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam tại khối thị trường này.
Tuy nhiên, EVFTA không chỉ mang lại cho ngành cá ngừ Việt Nam cơ hội mà còn cả những thách thức. Ngành cá ngừ Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập như hoạt động khai thác vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến hiệu quả khai thác thấp, thiếu tính bền vững, cạnh tranh sản phẩm thấp cả về giá bán và chất lượng. Thêm nữa, thẻ vàng của Ủy ban Liên minh châu Âu (EC) đối với lĩnh vực khai thác hải sản Việt Nam ngày 23/10/2017 cũng là một bất lợi.
Bên cạnh đó, theo EVFTA, các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam sang EU muốn được hưởng thuế suất ưu đãi của Hiệp định cần phải có xuất xứ thuần túy tức là cá ngừ phải được đánh bắt bởi các tàu mang cờ của Việt Nam tại vùng biển của Việt Nam. Trong khi đó nguồn cá ngừ nguyên liệu trong nước đang không đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu, hầu hết phải nhập khẩu từ các nước khác, mạng lưới cung cấp nguyên liệu cũng đang được cải thiện. Do đó, việc đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ sẽ là một thử thách đối với ngành cá ngừ Việt Nam trong thời gian tới.
Ngoài ra, EVFTA còn tạo ra một số thách thức khác như: hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), để có thể xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU, nước xuất khẩu phải tuân thủ các nguyên tắc TBT trong quy trình chế biến, đóng gói sản phẩm và bảo vệ môi trường; Quy tắc xuất xứ của sản phẩm (ROO): các doanh nghiệp thủy sản cần lưu ý đến một số quy định về xuất xứ (hàng hóa xuất khẩu sang EU được quá cảnh tại nước thứ ba không bị thay đổi và phải được bảo quản trong điều kiện tốt hoặc được dán nhãn, niêm phong để đảm bảo sự tuân thủ theo yêu cầu của nước nhập khẩu; giấy tờ chứng minh sự tuân thủ theo quy tắc không chuyển đổi có thể được yêu cầu trong trường hợp phát sinh nghi vấn; thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ); Dán nhãn đối với các sản phẩm thực phẩm, doanh nghiệp phải cung cấp cho người mua thông tin chính xác về nguồn gốc của sản phẩm…