Nhờ EVFTA, dự kiến lương bình quân tăng 3%
Các chuyên gia lao động trong nước và quốc tế đánh giá cao khả năng cải cách thủ tục pháp luật lao động của Việt Nam, xem đây là cam kết của Việt Nam khi tham gia hiệp định thương mại thế hệ mới. Một trong những cải cách về pháp luật lao động chính là việc sửa đổi Luật Lao động để tiệm cận hơn với các nguyên tắc cơ bản về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Điều này được cho là sẽ góp phần tăng cường bảo vệ người lao động, hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, EVFTA không đặt ra tiêu chuẩn lao động mà đặt ra các nguyên tắc về lao động liên quan tới hệ thống pháp luật hiện tại, liên quan đến các cam kết của Việt Nam khi tham gia các công ước của ILO.
Trong đó, có đề cập tới tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả quyền tự do liên kết, thương lượng, xóa bỏ lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, không phân biệt đối xử với lao động tại nơi làm việc.
EVFTA được cho là sẽ góp phần tăng thu nhập cho người lao động (ảnh minh họa). (ảnh: M.N)
Cam kết về lao động được quy định tại Điều 3 của EVFTA khẳng định Việt Nam và EU cam kết thúc đẩy phát triển thương mại song song với việc giúp tạo công ăn việc làm bền vững cho tất cả mọi người, đồng thời phê duyệt thực hiện các nghĩa vụ, quy định của các công ước cơ bản của ILO.
Điều này được cho là sẽ góp phần cải thiện các quyền lợi hợp pháp của lao động cả về thu nhập tối thiểu, môi trường làm việc và môi trường sống cũng như về cơ hội tham gia hiệp hội và công đoàn, kể cả tìm kiếm cơ hội việc làm mới.
Thông qua việc thúc đẩy thương mại, mở rộng thị trường, Hiệp định EVFTA cũng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động trong một số ngành Việt Nam có thế mạnh như: Nông sản nhiệt đới, thủy sản, giày dép, dệt may, đồ da, đồ gỗ, đồ gốm, thủy tinh, đồ nhựa và sản phẩm cao su…
Còn theo nghiên cứu của Tập đoàn Manpower Group, EVFTA sẽ giúp Việt Nam sẽ có thêm khoảng 18.000 - 19.000 việc làm từ giai đoạn 2021 - 2030. Đặc biệt, việc làm sẽ tạo ra lớn nhất cho các lĩnh vực nội thất, dệt may, giày dép… khi thuế suất xuất khẩu giảm đến 99% bên cạnh cơ hội tăng cường xuất khẩu hiện diện ở nhiều lĩnh vực khác.
Không chỉ việc làm tăng lên mà dự kiến thu nhập của người lao động cũng sẽ được cải thiện trong giai đoạn 2020-2035, trong đó tăng cao nhất là nhóm lao động có tay nghề thấp. Mức lương bình quân của lao động Việt Nam dự kiến tăng thêm 3% nhờ tác động từ hiệp định này.
Thách thức nguồn lao động kỹ thuật cao
Ngoài việc xóa bỏ đến 99% thuế quan xuất khẩu, Hiệp định EVFTA còn được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập cho người lao động Việt Nam. Tuy nhiên, cũng từ đây EVFTA có thể sẽ đặt các doanh nghiệp (DN) trước những cạnh tranh về nguồn lao động cũng như thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng những đòi hỏi ngày càng khắt khe về chất lượng hàng hóa, dịch vụ của thị trường châu Âu.
Đánh giá triển vọng của lao động Việt Nam và khả năng hợp tác đầu tư hai bên Việt Nam - châu Âu, ông Phạm Minh Huân - chuyên gia lao động, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các DN châu Âu cũng sẽ hướng tới đầu tư vào các ngành cần nhiều lao động như dệt may, da giày tại Việt Nam. Về lâu dài họ có thể hướng tới sản xuất những sản phẩm có độ phức tạp cao hơn như dược phẩm, thậm chí có sự chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, do Việt Nam có ưu thế hơn về giá nhân công.
"Mặc dù vậy hoạt động kinh doanh của các DN châu Âu phần lớn dựa vào công nghệ, do đó, yêu cầu của các DN châu Âu không chỉ đơn thuần là những lao động giá rẻ, mà còn cần kỹ năng và trình độ chuyên môn cao. Lao động Việt Nam hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần" - ông Huân phân tích.
Hiện nay Việt Nam vẫn đang giải bài toán về nâng cao tay nghề và chuyên môn, những kỹ năng cần thiết cho người lao động. DN châu Âu sẽ cần nhiều lao động có kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng chuyên ngành, khả năng ngoại ngữ. Các DN châu Âu cũng kỳ vọng Việt Nam có thể cải thiện chất lượng nguồn nhân lực hiện tại để đáp ứng những đòi hỏi trong bối cảnh hợp tác mới.