Theo Báo cáo Chỉ số năng lực logistics (LPI) năm 2018 của World Bank, Việt Nam xếp hạng 39/160 quốc gia tham gia điều tra. Kết quả này đã tăng 25 bậc so với xếp hạng 64 năm 2016.
Việt Nam có thứ hạng đứng đầu trong các thị trường mới nổi. Các chỉ số đánh giá LPI 2018 đều tăng vượt bậc. Hạng mục có mức tăng cao nhất là năng lực chất lượng dịch vụ (xếp hạng 33, tăng 29 bậc), và khả năng theo dõi, truy xuất hàng hoá (xếp hạng 34, tăng 41 bậc). Kết quả đó cho thấy việc cải thiện năng lực của doanh nghiệp đang có những bước tiến đáng ghi nhận thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào logistics.
Sắp tới, khi Việt Nam kí kết thành công EVFTA, rất nhiều lợi ích sẽ lan tỏa đến sự phát triển của ngành logistics Việt Nam.
Trung tâm WTO và Hội nhập cho biêt: tác động của EVFTA đối với triển vọng phát triển ngành logistics được thể hiện ở 2 góc độ. Góc độ thứ nhất là từ cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và EU trong lĩnh vực dịch vụ vận tải và phục vụ vận tải. Góc độ thứ hai là cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng tới thị trường dịch vụ logistics.
Cụ thể, các cam kết trong lĩnh vực ảnh hưởng tới thị trường dịch vụ logistics bao gồm: nguồn cầu dịch vụ, chất lượng dịch vụ và việc thực hiện dịch vụ. Ví dụ như cam kết loại bỏ thuế quan để gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu, mở cửa thị trường mua sắm công đối với các gói thầu cơ sở hạ tầng hoặc kiểm soát biên giới với sản phẩm sở hữu trí tuệ,...
Khi các cam kết nói trên có hiệu lực EVFTA có thể mang lại cơ hội rất lớn cho ngành logistics Việt Nam.
Trước hết, rào cản thuế quan được loại bỏ hoặc giảm đáng kể sẽ khiến lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu gia tăng. Từ đó làm tăng nguồn cầu lớn đối với hoạt động logistics, là cơ hội gia tăng quy mô thị trường ngành logistics Việt Nam.
Thứ hai là cơ hội thu hút đầu tư từ châu Âu, tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, nguồn vốn, mạng lưới sẵn có của đối tác khi liên doanh với đối tác EU.
Kế đến, khi Việt Nam thực hiện các cam kết về thể chế nhằm tạo thuận lợi thương mại, rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng cường chất lượng cơ sở hạ tầng, chi phí kinh doanh sẽ giảm. Đồng thời, EVFTA cũng khiến giá mua các phương tiện vận tải, các loại máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ hoạt động logistics nhập khẩu từ EU giảm do cam kết loại bỏ thuế quan của Việt Nam.
Cuối cùng là cơ hội tiếp cận thị trường dịch vụ logistics các nước thành viên EU (đặc biệt là dịch vụ vận tải biển và dịch vụ hàng không quốc tế).
Song song với cơ hội, EVFTA được cho là cũng đặt ra những thách thức đáng kể đối với doanh nghiệp hậu cần trong nước.
Cạnh tranh trong một số khía cạnh dịch vụ logistics có thể gia tăng, do cạnh tranh mạnh hơn từ các nhà cung cấp dịch vụ EU vốn rất mạnh trong lĩnh vực logistics, với các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại, chiếm thị phần đáng kể trên thị trường logistics thế giới. Theo bảng xếp hạng LPI 2018, Đức là quốc gia đứng đầu trong lĩnh vực logistics. Hai quốc gia đồng hạng thứ hai cũng nằm trong khối EU, là Hà Lan và Thụy Điển.
Một số lượng đáng kể các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực logistics kinh doanh chưa hiệu quả, nhu cầu bảo hộ cao, năng lực đổi mới sáng tạo và cạnh tranh hạn chế. Đây có thể là các vấn đề cản trở sự phát triển chung của ngành.
Hơn nữa, thị trường dịch vụ logistics tại các nước EU vốn đầy hứa hẹn nhưng lại đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ và các ràng buộc pháp lý gián tiếp (về nhập cảnh, về quốc tịch của người lao động…) nên việc đáp ứng tiêu chuẩn thị trường không hề đơn giản.