Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp chính vào tăng trưởng là ngành gỗ (tăng 73%), hàng dệt may (tăng 15%), phương tiện vận tải và phụ tùng (tăng 41%)…
Ngày 30/6, Việt Nam và EU ký kết hiệp định thương mại do EVFTA. Khi có hiệu lực, EVFTA ngay lập tức sẽ gỡ bỏ 85,6% số dòng thuế. Đây sẽ là cơ hội gia tăng sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam tại thị trường quan trọng này. Theo dự kiến, lộ trình gỡ bỏ thuế quan đối với đa phần ngành vẫn cần thời gian khá dài, trừ một số ngành chủ lực có tỷ trọng lớn như thủy sản và dệt may.
Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) dự đoán trong các nhóm ngành chịu ảnh hưởng từ hiệp định EVFTA, dệt may, thủy sản sẽ được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp. Ngoài ra, có một số ngành khác được xóa bỏ thuế quan nhưng không được hưởng lợi nhiều, như ngành gỗ.
Ngành dệt may hưởng lợi không đáng kể trong ngắn hạn
Đối với ngành dệt may, BSC đánh giá EVFTA sẽ tác động tích cực trong dài hạn, bởi 42,5% dòng thuế sẽ giảm về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, và phần còn lại sẽ giảm về 0% sau 3 - 7 năm. Ưu đãi này giúp hàng dệt may Việt Nam cạnh tranh hơn với các sản phẩm từ Bangladesh và Campuchia hiện được hưởng thuế ưu đãi phổ cập (GSP) 0%.
Trong ngắn hạn, khả năng cạnh tranh của dệt may Việt Nam tại thị trường EU có thể được cải thiện nhờ những yếu tố ngoài hiệp định. Ví dụ như Campuchia bị đưa ra khỏi diện hưởng thuế ưu đãi GSP do không đảm bảo được các vấn đề nhân quyền và lợi ích của lao động, và lương ở Bangladesh tăng mạnh.
Tuy nhiên, BSC cho rằng tác động tích cực trước mắt của hiệp định sẽ chưa đáng kể do các doanh nghiệp và đối tác đặt hàng cần thời gian để tìm kiếm nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển các dự án dệt nhuộm nhằm đáp ứng được các yêu cầu của hiệp định trong đó có quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi”.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ phía các doanh nghiệp trong nước và thương hiệu nổi tiếng nước ngoài, hiệp định EVFTA đối với ngành dệt may trong dài hạn sẽ là một cú hích đối với các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn qua EU. Trong đó, những doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn qua EU, như CTCP Đầu tư và Thương mại TNG, CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn, CTCP May Sông Hồng,… có thể ghi nhận doanh thu và lượng đơn hàng tăng đáng kể so với các nhóm doanh nghiệp còn lại.
Tác động tích cực trước mắt của EVFTA đối với ngành dệt may sẽ chưa đáng kể trong ngắn hạn. Ảnh: Vitas.
Không tạo đột biến cho ngành cá tra, thuận lợi với tôm
EU hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), EU chiếm 22% trong xuất khẩu tôm, 11% với cá tra và 30 – 35% với các mặt hàng hải sản khác.
Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ưu đãi thuế quan sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Thuế đối với các sản phẩm hải sản (hàu, điệp, mực,..) sẽ ngay lập tức được giảm ngay về 0% từ mức 20%; với mực, bạch tuộc đông lạnh giảm từ 6 - 8% về 0%; với cá cờ kiếm giảm từ 7,5% về 0%...
Với cá tra, thuế hiện nay là 9% sẽ giảm về 0% với lộ trình 3 năm. Với mức thuế cơ bản hiện tại thấp, cùng với lộ trình xóa bỏ thuế khá dài, tác động của việc giảm thuế trong mỗi năm không tạo ra đột biến cho ngành cá tra, theo đánh giá của BSC.
Tuy nhiên, về mặt tâm lý, điều này có thể giúp doanh nghiệp cá tra có thêm nhiều lựa chọn về thị trường xuất khẩu, qua đó cải thiện giá trị xuất khẩu sang EU.
EU sẽ là thị trường tiêu thụ tôm thuận lợi nhất của Việt Nam nhờ ưu đãi thuế quan trong EVFTA. Ảnh: Reuters.
Đố với tôm, ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu (tôm hùm xanh ướp đá, tôm sắt PD tươi đông lạnh…) vào EU sẽ về 0% từ mức hiện tại là 12,5%. Thuế với sản phẩm tôm (tôm sú PD đông lạnh, tôm sú nguyên con HOSO đông lạnh, tôm sú lặt đầu còn vỏ…) sẽ về 0% từ 20%; và thuế với tôm mã HS 03061791, 03061792, 03061793, 03061799 sẽ về 0% từ 12%.
Tôm mã HS 03061794 sẽ giảm về 0% từ 18% sau 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
BSC cho rằng EU sẽ là thị trường tiêu thụ tôm thuận lợi nhất của Việt Nam nhờ ưu đãi thuế quan trong bối cảnh các thị trường tiêu thụ tôm khác đều giảm nhu cầu tiêu thụ.
Ngoài ra, hiệp định được cho là sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, doanh nghiệp sẽ phải tập trung nâng cao và cải thiện các yếu tố về xuất xứ, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, vệ sinh an toàn để đáp ứng các quy định khắt khe.
Không tác động nhiều đến ngành gỗ
Ngành gỗ Việt Nam không chịu mức thuế cao. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là đồ gỗ thành phẩm hiện chịu thuế từ 0 - 2%. Vì vậy, Hiệp định EVFTA được đánh giá không có tác động quá nhiều đến ngành gỗ.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp xuất khẩu lớn như CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (với sản phẩm xuất khẩu vào châu Âu chiếm khoảng 3 - 5%), CTCP Phú Tài (10 - 15%) có thể tận dụng lợi thế về việc sản phẩm gỗ có xuất xứ để tăng tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này.
Ngoài ra, việc giảm thuế về 0% cho các sản phẩm máy móc giúp các doanh nghiệp gỗ có thể tiếp cận được máy móc tân tiến với giá cả thấp hơn, từ đó nâng cao năng lực ngành gỗ của Việt Nam.
Thịt bò BEEF | 1.384.611.898 VNĐ / tấn 335.15 BRL / kg | 0.16 % + 0.55 |
Thịt gà CHICKEN | 33.215.813 VNĐ / tấn 8.04 BRL / kg | 0.00 % - 0.00 |