Quan trọng là vượt được rào cản kỹ thuật
Hiệp định EVFTA được chính thức khởi động đàm phán từ tháng 10/2010, trải qua 9 năm đàm phán, ngày 30/6/2019, tại Văn phòng Chính phủ, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hiệp định EVFTA chính thức được ký kết. Lúc đó, Thủ tướng đã ví von: “Tuyến đường cao tốc Việt Nam - EU đã mở.
Nhưng phải đợi đến ngày 12/2/2020, niềm vui ấy mới thực sự trọn vẹn khi Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) với tỷ lệ phiếu 401/192/40 (phiếu thuận, phiếu chống và phiếu trắng) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam với tỷ lệ phiếu 407/188/53.
EVFTA được kỳ vọng là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến gỗ ở Bình Dương. (ảnh tư liệu)
Theo thỏa thuận, Việt Nam giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ EU ngay khi EVFTA có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. EU sẽ giảm hơn 70% thuế quan đối với hàng hoá Việt Nam ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được xoá thuế trong 7 năm tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, Hiệp định EVFTA có vai trò đặc biệt trong việc gia tăng vị thế cạnh tranh của nông, lâm, thủy sản Việt Nam trên toàn cầu. Bởi thị trường EU lớn nên các sản phẩm nông nghiệp sẽ có nhiều cơ hội gia tăng sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu khi hiệp định được áp dụng. Theo đó, các mặt hàng chính như thủy sản, rau quả, gỗ… sẽ được giảm thuế về 0%.
Theo Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), kết quả của cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay mới chỉ là khởi đầu. Ngay bây giờ, chúng ta cần đảm bảo việc triển khai Hiệp định EVFTA diễn ra suôn sẻ để các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả Việt Nam và châu Âu có thể tận dụng mọi cơ hội mà Hiệp định này mang lại.
Cửa ải không dễ vượt qua
EU đang là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ hai của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Khi EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm hải sản (hàu, điệp, mực..) sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% từ mức 20%. Các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh hiện đang chịu mức thuế 6 - 8% giảm ngay về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%, cá tra hiện đang chịu mức thuế 9% sẽ được giảm về 0% với lộ trình 3 năm.
- Hiệp định EVFTA và EVIPA dự kiến sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025. - Ủy ban châu Âu ước tính GDP của EU sẽ tăng thêm 29,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam tăng 29% vào năm 2035. (Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
Với mặt hàng cá tra, EVFTA có hiệu lực, thuế suất 5,5% của mặt hàng cá tra phi lê hiện nay sẽ giảm còn 0% trong 3 năm tới, đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho rằng, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Bên cạnh đó, việc phát triển diện tích rừng có chứng chỉ góp phần nâng cao uy tín sản phẩm gỗ Việt.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm, việc EVFTA được thông qua chỉ là bước khởi đầu, quan trọng là các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng làm thế nào để đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, minh bạch nguồn gốc xuất xứ mà EU đưa ra.
Trong một cuộc hội nghị bàn giải pháp tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA do Bộ NNPTNT tổ chức, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, việc tham gia các FTA có thể giúp nhiều mặt hàng nông sản được hưởng ưu đãi về thuế nhưng nếu không đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm thì dù đường đã mở cũng khó có thể tiếp cận.
Theo các chuyên gia, những hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU được quy định rất cao, là cửa ải không dễ vượt qua của nhiều nhà xuất khẩu. “Chế tài của EU với các sản phẩm thực phẩm vi phạm các quy định rất nghiêm khắc. Nếu vi phạm liên quan đến rủi ro mất an toàn thực phẩm, hệ thống cảnh báo nhanh trực tuyến về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi có thể được kích hoạt để gửi thông báo đến tất cả các nước thành viên EU. Từ đó, các cơ quan nước thành viên có thể áp dụng các biện pháp phù hợp, mà hình thức cực đoan nhất là đình chỉ nhập khẩu (tất cả hoặc một phần) từ nước vi phạm” - nghiên cứu của Trung tâm WTO lưu ý.