Theo đó, EVN yêu cầu các đơn vị thành viên không thực hiện các công tác cắt điện trên lưới, ngoại trừ trường hợp bắt buộc phải cắt điện để xử lý sự cố.
Bên cạnh đó, để chủ động trong công tác vận hành hệ thống điện và cung cấp điện dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ngay từ cuối năm 2023, EVN và các đơn vị có liên quan đã xây dựng phương án đảm bảo cung cấp điện an toàn, phòng chống cháy nổ; tổ chức phân công, ứng trực 24/24h cũng như chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư thiết bị để sẵn sàng xử lý các tình huống khi có sự cố điện.
EVN yêu cầu các đơn vị tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, công an, quân đội tại địa phương, xây dựng và triển khai các phương án bảo vệ an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ cho các công trình điện, trụ sở cơ quan, kho tàng...
Trong các ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 08/02/2024 tức ngày 29 Tết đến hết ngày 14/02/2024 tức ngày mùng 05 Tết), không thực hiện các công tác cắt điện trên lưới, ngoại trừ trường hợp bắt buộc phải cắt điện để xử lý sự cố.
Bên cạnh đó, EVN cũng yêu cầu các đơn vị sẵn sàng thực hiện các biện pháp việc đảm bảo phòng chống các dịch bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng địa phương.
Trong công tác vận hành hệ thống điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã tính toán, lập phương án vận hành nguồn, lưới và chỉ huy vận hành theo tình hình thực tế. Theo quy luật hàng năm, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc vào dịp Tết nguyên đán sẽ giảm thấp đáng kể so với ngày thường.
Theo số liệu dự báo, trong kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024 công suất phụ tải toàn quốc vào giờ thấp điểm trưa có thể giảm chỉ còn 14.700 MW đến 17.500 MW, tương ứng tỷ lệ khoảng 60% so với ngày thường.
Với mức tiêu thụ điện giảm thấp trong dịp nghỉ Tết, nhiều loại hình nguồn điện buộc phải giảm phát phù hợp với nhu cầu phụ tải. Trên thực tế đối với hệ thống điện hiện nay, để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia bắt buộc phải duy trì một số tổ máy điện truyền thống (như nhiệt điện than, turbine khí, thủy điện...) ở mức tối thiểu để đảm bảo quán tính và ổn định cho hệ thống điện cũng như có đủ công suất dự phòng trong các tình huống sự cố nguồn điện hoặc các biến động bất thường trong vận hành thực tế.
Chính vì vậy, khi công suất phụ tải tiêu thụ xuống quá thấp, các nguồn truyền thống đã ngừng/ giảm phát đến giới hạn kỹ thuật mà tổng công suất phát vẫn vượt nhu cầu tiêu thụ dẫn đến yêu cầu bắt buộc phải điều chỉnh giảm công suất huy động từ tất cả các loại hình nguồn điện, kể cả từ các nguồn năng lượng tái tạo (như thủy điện nhỏ, điện mặt trời, điện gió) để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia.
Theo EVN từ cuối tháng 9/2021, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) đã công bố hàng ngày số liệu về dự kiến công suất nguồn điện được huy động của ngày hôm sau theo từng loại nguồn phát vào các khung giờ điển hình.
Trong đó, khung giờ buổi trưa (bức xạ mặt trời lớn nhất nhưng công suất tiêu thụ điện thấp) và hai là khung giờ chiều-tối (công suất tiêu thụ điện cao nhưng bức xạ mặt trời rất thấp).
Trước đó tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 1/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu phải đảm bảo đủ điện, xăng dầu cho người dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng cũng nêu bật một số thành tích của kinh tế đất nước trong tháng 1/2024 như nền kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; thị trường tiền tệ, tỉ giá cơ bản ổn định...
Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng trước mắt trong tháng là phải tập trung tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn đầm ấm, vui tươi, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết, không để ai không có Tết.
Thủ tướng nêu ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hành động, trong đó về khía cạnh kinh tế cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
"Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác", Thủ tướng nêu.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia.
"Tập trung tạo thuận lợi thu hút, giải ngân các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội; quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...", Thủ tướng nêu.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu định hướng phát triển tranh thủ các cơ hội mới, thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
"Thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới hydrogen. Xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch", Thủ tướng nêu rõ.
Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc, chồng chéo để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; nâng cao chất lượng dịch vụ công, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ; chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng. Đặc biệt, kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu nhất là khi năm 2024 được dự báo là năm hạn hán, thiếu nước nặng nề do El Nino.