Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ mua điện từ Lào với mức tối thiểu là 3.000 MW và nâng lên 5.000 MW vào năm 2030, theo cam kết giữa hai Chính phủ. Các nhà máy điện tại Lào sẽ bán điện trực tiếp vào lưới điện của EVN và truyền tải điện về Việt Nam.
Theo EVN, việc mua điện từ Lào là một trong những giải pháp đảm bảo điện cho các tỉnh phía Bắc trong mùa hè, trước thực tế các nguồn điện mới dự kiến hoàn thành hàng năm trong giai đoạn 2022-2025 được tính toán luôn thấp hơn so với tăng trưởng phụ tải.
Điều này khiến cho việc đảm bảo cung cấp điện ngày càng khó khăn và có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh ở miền Bắc vào các tháng 5-7, là thời điểm nắng nóng cuối mùa khô, công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm...
Ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN
"Để khơi thông mọi nguồn lực đầu tư các nhà máy điện bán điện cho Việt Nam thì cần một cơ chế chính sách phù hợp đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư, đồng thời, cần xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp để EVN có thể yên tâm mua điện từ các nhà máy điện phía Lào", ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN chia sẻ.
Về vấn đề quy hoạch, theo ông Nhân, cần thực hiện sao cho việc đầu tư nguồn điện phía Lào đồng bộ với việc đầu tư lưới điện của Việt Nam, đảm bảo hiệu quả đầu tư cho cả hai phía.
Lãnh đạo EVN cũng bày tỏ, khung giá điện cho thủy điện, nhiệt điện, điện gió nhập khẩu từ Lào về Việt Nam có thời hạn đến hết năm 2025. Do đó, một cơ chế giá điện phù hợp, phương pháp tính toán giá điện cũng như Hợp đồng mua bán điện mẫu cần được cơ quan có thẩm quyền ban hành để kịp thời thúc đẩy việc đầu tư các nhà máy điện bán điện về Việt Nam.
Ngoài nhập khẩu điện từ Lào, Việt Nam còn tính đến nhập khẩu điện từ Trung Quốc.
Theo Quy hoạch điện VIII, mỗi năm Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 700 MW và 3,5 tỷ kWh điện năng. Ở kịch bản phụ tải cao, có thể mua thêm 1.000 MW và 5,5 tỷ kWh/năm, để bù cho khoảng 1.000 MW nhiệt điện khí (LNG) tại miền Bắc trong phần công suất dự phòng...