Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) được Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 30/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được khen ngợi vì đã tích cực trong công tác xây dựng Cổng DVCQG.
Từ 8 dịch vụ công được cung cấp từ thời điểm khai trương Cổng DVCQG ngày 9/12/2019, đến ngày 30/12/2020 đã có 2.700 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền (đạt tỷ lệ 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao). Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG là hơn 6.700 tỷ đồng/năm.
Ngay tại thời điểm khai trương hoạt động Cổng DVCQG, EVN đã vinh dự được Chính phủ tin tưởng, lựa chọn cho phép tích hợp dịch vụ điện cấp điện mới qua lưới điện trung, hạ áp. Sau đó, chỉ 15 ngày sau khai trương Cổng DVCQG, ngày 24/12/2019, EVN đã hoàn thành tích hợp 12/12 dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4 lên Cổng.
Đến tháng 8/2020, ngay sau khi nền tảng thanh toán trực tuyến của Cổng DVCQG được hoàn thành, EVN cũng là đơn vị đầu tiên chuyển đổi dịch vụ thanh toán tiền điện đã được tích hợp trên Cổng, sang Nền tảng thanh toán của Cổng theo đúng mô hình thiết kế. Tập đoàn cũng đã chỉ đạo các đơn vị thành viên, CBNV trong toàn Tập đoàn tạo tài khoản và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng DVCQG.
Để cải cách, đơn giản hóa thành phần hồ sơ trong dịch vụ điện, EVN đã thực hiện rà soát lại quy trình và loại bỏ các giấy tờ như: Giấy đề nghị mua điện, giấy tờ tùy thân (trừ trường hợp giấy xác nhận nhân thân của Công an phường, xã nếu khách hàng không có các giấy tờ tùy thân khác) và thay thế bằng các thông tin trên Website giao dịch trực tuyến và thông tin người dùng đã được Cổng DVCQG xác thực.
Bên cạnh đó, để thuận lợi cho khách hàng, trong quy trình kinh doanh của EVN cho phép bổ sung giấy tờ còn thiếu (nếu có) khi thực hiện khảo sát hoặc thi công tại địa điểm của khách hàng. Điện lực có thể thực hiện chụp ảnh hồ sơ và kiểm chứng các thông tin này ngay tại địa điểm của khách hàng.
EVN cũng đã đẩy mạnh cung cấp dịch vụ theo phương thức điện tử, để thiết lập trải nghiệm điện tử trên toàn bộ hành trình trải nghiệm các dịch vụ điện của khách hàng.
Đến nay, sau 1 năm tích hợp, EVN đã cung cấp 100% các dịch điện trực tuyến mức độ 4 lên Cổng DVCQG. Số lượng yêu cầu các dịch vụ điện qua Cổng QVCQG đến ngày 30/11/2020 là gần nửa triệu yêu cầu, lượng hồ sơ đồng bộ lên Cổng là gần 1,5 triệu hồ sơ. Các dịch vụ điện luôn nằm trong nhóm các dịch vụ nổi bật của Cổng, được nhiều người sử dụng nhất, chiếm tỷ lệ 77,16% số yêu cầu của các Bộ, ngành, địa phương được người dân và doanh nghiệp thực hiện trên Cổng DVCQG.
Về việc thực hiện cập nhật, công khai, quản lý dịch vụ của EVN trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, EVN đã thực hiện khai báo danh mục 100% các dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4 đã được tích hợp với Cổng DVCQG lên trên hệ thống cơ sở dữ liệu dịch vụ công quốc gia tại website do Văn phòng Chính phủ cung cấp. Các dịch vụ điện của EVN đều được công bố trên Cổng DVCQG.
H.Nam