Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4-5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin về tiến độ ban hành các chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
Theo đó, Quy hoạch điện 8 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt ra mục tiêu cụ thể liên quan đến điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
"Việc phát triển chủ yếu tập trung vào phát triển điện mặt trời mái nhà phục vụ tiêu thụ tại chỗ, sử dụng cho mục đích kinh doanh, mua bán điện. Cách tiếp cận của Bộ Công thương khi thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng dự thảo nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà theo định hướng này", Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.
Về tiến độ thực hiện, hiện Bộ đã công bố công khai để lấy ý kiến về dự thảo Nghị định. Hiện Bộ đang tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp, gửi Bộ Tư pháp để tiến hành thẩm định, qua đó có báo cáo với Chính phủ xem xét để sớm phê duyệt.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng thông tin một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định gồm khái niệm điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu; phân định công trình có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà; cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà và đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân trong phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
Sáng nay, 4/5 tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, liên quan đến cung ứng điện và xăng dầu trong mùa khô tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan đảm bảo cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống.
Nhắc đến việc xây dựng chính sách về điện tái tạo, chủ trương mua bán điện trực tiếp, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương phải khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành nghị định về mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn.
Chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp tự sản, tự tiêu và chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ.
"Tinh thần chung là quy định khi ban hành phải đi vào cuộc sống, tạo động lực, tháo gỡ được điểm nghẽn, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm", Thủ tướng nói.
Liên quan đến chính sách về ngành điện, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dư luận về Nghị định mua bán điện trực tiếp giữa các đơn vị phát điện với khách hàng (DPPA) và Dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt mái nhà dân, công sở, khu công nghiệp, hoàn thiện trình Bộ Tư pháp và Chính phủ thông qua.
Tại hội thảo lấy ý kiến về hai dự thảo văn bản trên vừa diễn ra tại Bộ Công Thương cuối tháng 4/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trả lời thắc mắc của dư luận liên quan đến chủ trương chỉ mua điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu của người dân, cơ quan, tổ chức với giá 0 đồng.
Theo ông Diên, chủ trương này nhằm ngăn chặn hiện tượng trục lợi chính sách.
Ông này cho rằng: Loại hình điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ không được bán hoặc bán giá 0 đồng. Tức, người dân có thể bán phần dư thừa nhưng Nhà nước chỉ ghi nhận sản lượng, không thanh toán tiền.
Theo ông Diên, trong giai đoạn hiện tại, trong bối cảnh điều kiện của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu nguồn, biện pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng là phù hợp.
Bộ trưởng Công Thương khẳng định: Quy định này nhằm "đảm bảo được việc ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách. Những cơ chế khuyến khích loại hình điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu là bước đột phá trong nỗ lực tháo gỡ các rào cản pháp lý cho phát triển nguồn điện trong bối cảnh một số quy định pháp luật chuyên ngành chưa theo kịp thực tiễn", Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói.
Theo ông Diên, những cơ chế khuyến khích loại hình này là bước đột phá nhằm tháo gỡ pháp lý để phát triển nguồn điện trong bối cảnh một số quy định pháp luật chuyên ngành chưa theo kịp thực tiễn.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về việc, nhiều chuyên gia cho rằng chính sách phát triển điện mặt trời hiện nay khuyến khích người dân đầu tư và phát triển điện tự sản, tự tiêu. Nhưng ngành điện lại mua với giá 0 đồng, lý giải điều này do đảm bảo hệ thống là huy động được hết nguồn lực xã hội, chưa phù hợp với cơ chế thị trường.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần cơ chế khuyến khích mua điện mức giá ổn định với sản lượng ổn định của nhà đầu tư. Ngành điện cũng có thể tính toán phân phối, truyền tải và dự trữ pin phù hợp để huy động tối đa nguồn lực trong dân tương tự như các nước đang xây dựng các hệ thống pin tích trữ điện năng dư thừa.
Thực tế, từ sau năm 2020 đến nay (chưa cụ thể cho từng loại hình nhà ở, cơ quan công sở hay doanh nghiệp) trên cả nước có khoảng 200 MWp hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt. Số liệu này Bộ Công Thương tổng hợp từ các tỉnh (42/63 tỉnh thành) báo cáo về tình hình lắp đặt điện mặt trời mái nhà sau 2020.
Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Điện VIII đề cập cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 với điện mặt trời là 12.836 MW (chiếm 8,5%, không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu). Trong đó, nguồn điện mặt trời tập trung là 10.236 MW, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW.
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính tới ngày 31/12/2020, cả nước có 103.809 hệ thống điện mặt trời mái nhà, với tổng công suất lắp đặt khoảng 9.608 MWp (khoảng 7.686 MW). Từ đó đến nay, không có thống kê nào được thực hiện tiếp bởi cơ chế chính sách cho phát triển điện mặt trời mái nhà không có.
Tại Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt, tổng công suất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu cả nước là khoảng 2.600 MW, trong đó miền Bắc hơn 920 MW, Tây Nguyên và miền Trung là khoảng 563 MW và miền Nam là khoảng 1.100 MW.